Máy xúc đào bới làm hư hỏng nhiều ngôi mộ
Sau khi nhận được đơn thư của người dân về việc có cá nhân khai thác đất làm vật liệu san lấp công trình giao thông nội đồng, làm hư hại nhiều phần mộ của người dân. Phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị đến địa điểm đào bới tại huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu sự việc này.
Địa điểm đào bới đất là thửa đất của bà Nguyễn Thị Huyên, trú tại xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh) nằm xen giữ khu vực nghĩa trang thôn Tây Sơn, xã Vĩnh Chấp. Bà Huyên đã được UBND huyện Vĩnh Linh cho phép cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu san lấp công trình tại Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 16/3/2017, do ông Thái Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh ký.
Đơn vị thi công khai thác lấn chiếm sang nghĩa trang bên cạnh, làm hư hại nhiều phần mộ tại đây
|
Văn bản có ghi rõ, tổng số khối lượng được phép khai thác là: 2.500m2. Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo, đơn vị thi công khai thác lấn chiếm sang nghĩa trang gần đó, làm hư hại nhiều phần mộ tại đây, xương cốt trong mộ bị lộ thiên. Đáng chú ý, tại nghĩa trang này còn là nơi yên nghỉ của 3 liệt sĩ và 1 mẹ Việt Nam anh hùng.
Trao đổi với ông Nguyễn Đăng Minh, người nhà có ngôi mộ bị hư hại và cũng chính là người nhiều lần viết đơn tố cáo hành vi xâm phạm mồ mả, ông Minh cho biết: “Có một ngôi mộ liệt sĩ của gia đình tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa bị máy xúc múc vỡ tung ra. Cạnh đó là có 3 ngôi mộ đất thuộc dòng họ nhà tôi,vừa rồi thì máy còn múc “lòi” cả xương cốt ra ngoài.
Qua làm việc với ông Nguyễn Đăng Minh (người có phần mộ bị xâm hại) được biết, ông và gia đình đã rất nhiều lần gửi đơn tố cáo hành vi của bà Huyên và kiến nghị UBND xã Vĩnh Chấp xử lý nhưng chính quyền địa phương đều “im hơi lặng tiếng” và đến khi biết tin có Phóng viên tới làm việc thì UBND xã Vĩnh Chấp mới triệu tập người dân để lắng nghe ý kiến.
Ông Nguyễn Viết Sỉ (người cũng có phần mộ bị xâm hại) cho biết thêm, trong suốt thời gian người dân làm đơn tố cáo lên chính quyền thì gia đình bà Huyên vẫn ngang nhiên cho người múc đất tại khu vực nghĩa trang của thôn và làm sụt lún thêm nhiều phần mộ xung quanh. Chúng tôi không hiểu vì sao đối với những ngôi mộ của những người đổ xương máu cho cách mạng mà chính quyền lại để mặc cho xâm phạm như thế.
Chính quyền buông lỏng quản lý
Làm việc với ông Thái Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh là người đã trực tiếp ký giấy phép cho bà Nguyễn Thị Huyên khai thác đất tại trụ sở UBND huyện. Ông Thành chỉ trả lời chung chung không rõ vấn đề, và phó thác hầu hết những câu hỏi của Phóng viên cho ông Dương Hồng Quang - Chuyên viên Phòng Tài Nguyên Môi trường huyện Vĩnh Linh trả lời.
Đối với ông Dương Hồng Quang, khi được hỏi từ khi huyện cấp phép cho bà Huyên cải tạo độ cao tại thửa đất gần nghĩa trang, cán bộ phòng Tài Nguyên Môi trường (TNMT) huyện Vĩnh Linh có thường xuyên xuống kiểm tra địa bàn hay không? Thì nhận được câu trả lời sau khi có giấy phép cho bà Huyên khai thác cán bộ phòng Tài Nguyên có xuống kiểm tra một lần nhưng lúc đó chưa khai thác và không quay lại thêm lần nào nữa cho đến khi có Phóng viên báo chí đến trụ sở phản ánh.
Lý giải về vấn đề này thì ông Hải – Phó Trưởng phòng TNMT huyện Vĩnh Linh nói rằng, do Phòng quá thiếu nhân sự, hiện chỉ có một minh ông Quang là chuyên viên và phải đảm trách nhiều việc.
Đối với ông Thái Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, khi được hỏi là người trực tiếp ký giấy phép cho doanh nghiệp khai thác, ông có theo dõi tình hình hoạt động tại dự án này hay không? Ông Thành liền thoái thác trách nhiệm cho cấp dưới rằng, trong giấy phép có ghi rõ là giao cho UBND xã Vĩnh Chấp kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện. Nhưng không thấy UBND xã Vĩnh Chấp có báo cáo gì, nên tôi cũng chưa nắm được tình hình.
Vấn đề này kính đề nghị cơ quan liên Bộ: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Nguyên Môi trường nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý thích đáng những vi phạm, để trả lại sự bình yên cho vùng quê cách mạng, đừng để những lợi ích kinh tế trước mắt làm hủy hoại đi giá trị truyền thống.