Huyện Triệu Phong làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” 

QTO - Kết thúc cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, non sông thống nhất thu về một mối, đã có hàng nghìn người con thân yêu của huyện Triệu Phong anh dũng hy sinh, hiến trọn đời mình cho Tổ quốc. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Triệu Phong luôn tích cực thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tham gia hưởng ứng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm chăm sóc tốt đời sống của các đối tượng chính sách.

Ông Phan Cường (56 tuổi) ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái là con trai của liệt sĩ Phan Hoán cho biết, bố của ông là cơ sở cách mạng hoạt động tại địa phương, hy sinh năm 1969, khi ông mới được 1 tuổi. Trước khi bố hy sinh 1 tháng, mẹ của ông cũng bị trúng bom Mỹ trong khi đi tiếp tế cho chồng hoạt động vùng bí mật.

 

Ông Cường lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà nội nhưng vẫn luôn khao khát tình cảm của bố mẹ. Chia sẻ với nỗi mất mát của gia đình ông, người dân trong thôn luôn động viên giúp đỡ; các cấp chính quyền, tổ chức đã quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ của Nhà nước đối với con liệt sĩ theo quy định cho ông được hưởng.

Hơn thế, vừa qua, gia đình ông Cường được quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện Triệu Phong hỗ trợ 60 triệu đồng để xây mới nhà ở. Ông Cường xúc động cho biết: “Gia đình rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương dành cho chúng tôi. Nhờ có nguồn hỗ trợ này gia đình đã hoàn thành ngôi nhà cao ráo, khang trang, có nơi thờ tự cho cha, mẹ tôi trang nghiêm và thành kính hơn”.

Nhiều người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Triệu Phong luôn hưởng được niềm vui từ sự chăm sóc ấm áp của các cấp. Thương binh Lê Thị Phượng (70 tuổi) ở thôn Hà Tây, xã Triệu An vừa được huyện Triệu Phong trao 25 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. “Nhà tôi xây dựng đã quá lâu nên xuống cấp, mái nhà bị thấm dột, mùa mưa rất bất tiện.

Nhờ có hỗ trợ của huyện nên tôi đã sửa sang, tu bổ lại nhà ở đàng hoàng, sạch đẹp hơn. Bên cạnh đó, tôi luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia, động viên của các cấp chính quyền địa phương cũng như trung ương đầy đủ, kịp thời, nhất là vào các dịp lễ trọng của đất nước”, bà Phượng cho biết.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Triệu Phong Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, huyện hiện có hơn 12.000 người có công với cách mạng, trong đó có 584 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (1 mẹ còn sống). Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu, hàng năm huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các phòng, đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về chính sách xã hội, nhất là thực hiện Pháp lệnh Người có công, các chỉ thị của bộ, ngành trung ương và tỉnh về chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ đó, việc thực hiện các chính sách đối với người có công trên địa bàn huyện luôn được đầy đủ, kịp thời bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế...

Tính riêng năm 2023, đối với người có công, huyện chi trả hằng tháng và chi trả 1 lần kịp thời số tiền hơn 67 tỉ đồng; phối hợp mua bảo hiểm y tế cho 4.096 người; thực hiện chế độ điều dưỡng cho 1.224 người; 22 người được hưởng trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình. Từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh, huyện và vận động từ các nhà tài trợ, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 34 ngôi nhà với tổng kinh phí hơn 1,55 tỉ đồng.

Cũng trong năm 2023, huyện đã vận động được hơn 506 triệu đồng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đạt hơn 100% kế hoạch. Vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 và các ngày lễ lớn của đất nước, huyện tổ chức rà soát, lập danh sách người có công được nhận quà của các cấp với tổng giá trị hàng tỉ đồng. Các xã, thị trấn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công ốm đau dài ngày trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để phấn đấu đưa các hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn có mức sống từ trung bình trở lên, huyện luôn dành mọi sự ưu tiên trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhiều hộ gia đình chính sách, người có công được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội triển khai các mô hình sản xuất với sự hỗ trợ về kỹ thuật, giống...mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, ngay từ những ngày đầu tháng 7 năm nay, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện đã tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng người có công được nhận quà của Chủ tịch nước và các cấp. Tính đến ngày 15/7/2024, phòng đã phân bổ và chuyển trợ cấp từ các nguồn từ ngân sách trung ương, tỉnh, huyện, xã, nguồn xã hội hóa và thông qua các hội đoàn thể cho người có công với tổng giá trị hơn 5,3 tỉ đồng.

Với những hoạt động thiết thực và ý nghĩa, huyện Triệu Phong đã và đang làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công trên địa bàn. Qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với lớp lớp cha anh đã cống hiến, hy sinh vì hòa bình của Tổ quốc. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tú Linh

63 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 935
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 935
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87261582