Đạt được kết quả tích cực trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong đã kịp thời, chủ động tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với Chương trình hành động số 52-CTHĐ/TU, ngày 13/11/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị và cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 08-CTHĐ/HU, ngày 20/01/2013.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khai
khoáng; việc khai thác chế biến khoáng sản theo quy hoạch phải đi đôi với bảo vệ tái tạo, phục hồi tài nguyên môi trường, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện hướng dẫn các địa phương rà soát các quy hoạch có liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản để làm căn cứ tham mưu, đề xuất phương án trình cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo theo định hướng.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã tăng cường quản lý, triển khai có hiệu quả việc khai thác khoáng sản gắn liền với bảo vệ môi trường; giao cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm việc thẩm định các kế hoạch, phương án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản, tuyệt đối không có trường hợp vận dụng hoặc cho nợ tiêu chí. UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 05/2/2013 để tổ chức thực hiện và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện như: Kế hoạch số 318/UBND “về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác”; Công văn số 1297/UBND-TH “tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản”; Công văn số 1260a/UBND-TH “tăng cường quản lý đất san lấp trên địa bàn”; Công văn số 559/UBND-TNMT “hoán đổi đất cát trắng bằng đất đỏ để thực hiện các mô hình sản xuất”; Công văn số 442/UBND-TNMT “chấn chỉnh hoạt động khai thác, vận chuyển và tập kết cát sỏi”; Chỉ thị số 02/CT-UBND “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua khai thác, mua bán, vận chuyển cát sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn huyện Triệu Phong”.
UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng (Phòng Tài nguyên – Môi trường, Công an huyện) phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tập trung lực lượng, tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác trái phép. Kết quả đã thu giữ, phá hủy nhiều phương tiện phục vụ khai thác khoáng sản trái phép, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi địa bàn. Trong 10 năm, trên địa bàn huyện đã xử lý 384 vụ/391 đối tượng, phạt tiền hơn 1.800 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước, trong đó góp phần răn đe, giáo dục các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương tham mưu rà soát, thẩm định chặt chẽ và cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Phong có 02 tuyến sông là: Thạch Hãn và Vĩnh Phước, là nơi có trữ lượng lớn cát, sỏi; cung cấp toàn bộ nhu cầu vật liệu cát, sỏi xây dựng ở địa phương và một số khu vực lân cận; có 06 bến bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi có giấy phép ở các xã: Triệu Thành, Triệu Thượng, Triệu Thuận và khoảng 20 chiếc tàu thuyền (tải trọng từ 3 - 15 m3) đang hoạt động trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, khai thác tài nguyên, khoáng sản được thực hiện thường xuyên, liên tục; bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBMTTQVN huyện và các đoàn thể huyện, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; phổ biến các văn bản luật, dưới luật có liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng và chấp hành nghiêm, không vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Công tác kiểm tra, giám sát xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản được tiến hành thường xuyên, góp phần chấn chỉnh, hạn chế khai thác khoáng sản trái phép.
Bước vào tình hình mới, để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai khoáng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là góp phần đẩy lùi và tiến đến xử lý dứt điểm việc khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép nói riêng và khai thác khoáng sản trái phép nói chung trên địa bàn, huyện Triệu Phong đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/04/2011 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 52-CTHĐ/TU, ngày 13/11/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết 02 -NQ/TW “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về công tác quản lý, bảo vệ khai thác khoáng sản đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; quan tâm tới công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế khai thác khoáng sản trái phép, sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản các cấp; phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên để gửi cán bộ chuyên trách tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản cũng như các nghiệp vụ liên quan. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực hành công vụ. Tiếp tục rà soát quy hoạch quỹ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đáp ứng nhiệm vụ định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các hộ ven sông đang sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác cát, sỏi để ổn định đời sống người dân. Thủy Phương