|
Anh hùng LLVTND Nguyễn Bá Tòng. - Ảnh: VGP/Thế Phong |
60 năm đã trôi qua kể từ ngày mở đường thắng lợi, nhưng tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn đọng mãi trong lòng Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12.
Chúng tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng tại tỉnh Đắk Nông, đúng dịp kỉ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng xúc động cho biết, ông nhập ngũ năm 1965 (lúc 20 tuổi) vào đơn vị đại đội 100 pháo cao xạ tỉnh Lạng Sơn, Quân khu Việt Bắc, bảo vệ các khu công nghiệp phía bắc như khu gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp Việt Trì, nhà máy Supe Lâm Thao. ..
Năm 1968, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, đơn vị được lệnh chuyển sang huấn luyện bộ binh đi B, thuộc biên chế đại đội 3, tiểu đoàn 24D, Sư đoàn 304B. Sau 6 tháng huấn luyện, đơn vị hành quân đến Trường Sơn, cả tiểu đoàn được giữ lại biên chế thành Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98. Ông được điều về Đại đội 6 học kỹ thuật công binh, học lý thuyết và thực hành về mở đường...
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng kể, những khó khăn, gian khổ trên rừng già Trường Sơn trước hết do khí hậu rất khắc nghiệt, như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: “Một dãy núi mà hai màu mây/Nơi nắng nơi mưa khí trời cũng khác…”. Cùng với đó là côn trùng, rắn, thú dữ rình rập, nguy hiểm nhất là loại muỗi gây ra sốt rét ác tính.
Thiên nhiên khắc nghiệt khiến công tác mở đường, tiếp vận hàng hóa hết sức khó khăn, với phương thức vận tải thô sơ chủ yếu là đi bộ, mang vác, gùi thồ vượt sông sâu, núi cao... nhưng toàn bộ phải đi trong đêm, đi tới đâu phải xóa dấu vết tới đó để tránh bị lộ.
Địch biết tuyến vận tải của Đoàn 559 là mối nguy hiểm lớn, chúng tăng cường lực lượng, mở nhiều đợt càn quét vào đội hình vận tải của Đoàn, có đợt địch tập trung đến 6 tiểu đoàn càn đi, quét lại. Để bảo vệ tuyến đường, đơn vị phải nổ súng, nhiều đồng chí ở đơn vị đã hy sinh. Có thời điểm việc vận chuyển bị ngưng trệ đến 6 tháng, do vậy ta phải tìm đường lật cánh sang Tây Trường Sơn.
Chúng ta mở thêm nhiều đường dài, đường ngang, quân địch tập trung đánh phá quyết liệt ngăn chặn những trục đường chính, các cửa khẩu, những điểm đường hẹp... Địch huy động các loại máy bay, kể cả B52 đánh phá suốt ngày đêm, riêng B52 bình quân mỗi ngày 4 đến 5 lần đánh phá tuyến đường của ta, mỗi lần đi theo tốp 3 chiếc, mỗi chiếc mang theo 108 quả bom trút xuống đường Trường Sơn, có những vệt bom có chiều rộng 4km.
|
Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Đắk Nông ngày nay. - Ảnh: VGP/Thế Phong
|
Thời điểm này, Mỹ sử dụng tất cả các loại máy bay, bom, đạn hiện đại và thông minh nhất để đánh phá tuyến chi viện Trường Sơn, làm cho cây đổ, núi lở nham nhở. Cả tuyến đường phủ màu trắng tàn khốc, gây tổn thất lớn, khó khăn cho bộ đội Trường Sơn.
“Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên đối mặt với các loại bom bi, bom vướng nổ, từ trường, bom nổ chậm, bom lade..., nguy hiệm nhất là máy bay AC130 gây tổn thất lớn cho lực lượng lái xe. Bộ đội và các lực lượng của ta trên tuyến Trường Sơn đã đổ máu, hy sinh, với hơn 2 vạn đồng chí, đồng đội ngã xuống trên mọi ngả chiến trường của đường Trường Sơn”, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng nhớ lại.
Huyền thoại đường Trường Sơn không phải tự nhiên mà có hay do thêu dệt bằng trí tưởng tượng, mà huyền thoại đó đánh đổi bằng sự hy sinh, được bồi tụ bằng trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo, ý chí quyết tâm của nhiều thế hệ người Việt Nam. Sức sống, sức vươn lên phát triển của tuyến đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh không có một sức mạnh nào ngăn trở được. Ước tính, khối lượng bom đạn của địch dội xuống Trường Sơn xấp xỉ 4 triệu tấn, chiếm 50% tổng số bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và bằng tống số bom đạn trong chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng không ngăn được ý chí của quân và dân ta.
Có thể nói, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã trở thành một chiến trường thực nghiệm chiến tranh phá hoại, chiến tranh ngăn chặn bằng không quân có quy mô hiện đại nhất, ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Song Trường Sơn cũng là nơi mà ý chí của con người Việt Nam đã chiến thắng mọi tàn bạo của chiến tranh và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khắc nghiệt của đại ngàn Trường Sơn.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng khẳng định, bộ đội Trường Sơn với trí thông minh, lòng dũng cảm, kiên cường, đã chiến đấu, khắc phục khó khăn làm vô hiệu hóa tất cả các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của Mỹ bằng những vật dụng thông thường.
“Để vô hiệu hóa bom vướng nổ, chúng tôi sử dụng chiếc thùng phuy cắt 2 đầu thành lô cốt di động để phá hàng km bom rải xuống tuyến đường. Đối với bom nổ chậm, bom từ trường, chúng tôi dùng bộc phá ốp vào quả bom cho nổ, dùng khung dây và pin Văn Điển, cùng với mớ sắt vụn buộc dây hai đầu, rồi hai người kéo đi, kéo lại làm kích nổ bom từ trường. Những quả bom nằm trên đường khi nổ sẽ phá hết đường, do đó, chúng tôi phải trực tiếp dùng đục và búa gỗ tháo đầu nổ ra khỏi bom”, ông kể lại.
Với cây nhiệt đới chỉ bằng động tác đơn giản là bẽ cụp đầu ăng teng thu phát và lấy cây rừng, mảnh vải buộc túm lại là mất tác dụng. Để nghi binh thu hút sự chú ý của địch, bộ đội Trường Sơn đã thu nhặt các cây nhiệt đới đặt xa đường xe chạy và người ở, dùng đài phát tiếng nói hoặc máy nổ để địch tưởng có người, xe máy hoạt động, lập tức chúng điều máy bay đến oanh tạc vào nơi không người, qua đó tiêu hao bom đạn địch...
Những sáng tạo của bộ đội, của các lực lượng trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dường như vô cùng, vô tận, hết sức phong phú, độc đáo; đã xuất hiện những phương cách “có một không hai” để hạn chế sự đánh phá của địch, vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí hiện đại của chúng và khiến cho đối phương không thể hình dung nổi. “Do đó, chúng tôi còn nói vui nhưng là thực tế, đế quốc Mỹ góp phần sửa chữa con đường do chính chúng đánh phá, bom đạn Mỹ cày xới đất đá và chúng ta lấy chính đất đá đó để san lấp hố bom trên đường...”, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng nói.
Có thể nói, trí thông minh, lòng dũng cảm, sức sáng tạo của con người Việt Nam đã được biếu hiện rõ nét trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Tuyến chi viện chiến lược này là một ngôi trường vĩ đại, dạy cho con người ta không chỉ biết sống, chiến đấu, biết sáng tạo mà biết quý trọng, gìn giữ những điều thiêng liêng của một dân tộc, đó là sự thống nhất của một ý chí, quyết tâm: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thế mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển tải sức mạnh của cả nước để quân và dân ta giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thế Phong