Hướng Hoá là một huyện miền núi, có chung đường biên giới với nước bạn Lào dài 156km; 20 xã, 02 thị trấn, 196 thôn, bản. Toàn huyện có trên 5 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 49,64% dân số toàn huyện; trong đó chủ yếu là dân tộc Vân Kiều và Pacô. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình hành động 37-CTHĐ/TU, huyện Hướng Hoá đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển sản xuất, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai xác lập quyền sử dụng đất đai lâu dài cho hàng ngàn hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hoá, nguyên liệu tập trung như: cà phê ở Hướng Phùng, Hướng Tân, Pa Tầng; cao su ở A Dơi; sắn ở xã Thuận, Thanh, A Túc; chuối ở Tân Long, Tân Thành...Để giúp các xã vùng bản từng bước theo kịp các xã kinh tế mới, huyện đã tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các dự án của quốc gia, quốc tế và vốn sự nghiệp của huyện tập trung dầu tư hỗ trợ vốn, giống, phân bón, nâng cấp một số công trình thuỷ lợi. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được huyện hỗ trợ con giống có giá trị kinh tế cao như: dê, trâu, bò, lợn.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều giải pháp tích cực để xoá đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Đến nay, huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm từ 41,7% (2005) xuống còn 28,37% (2017); hộ cận nghèo chiếm 7,67%.
Song song với việc phát triển kinh tế, các bản sắc văn hoá, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm; ý thức đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, cưới, lễ hội được nâng lên. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá được các bản làng vùng sâu, vùng xa hưởng ứng tích cực. Tính đến nay, huyện đã công nhận 301 làng, đơn vị văn hoá; được UBND tỉnh công nhận 36 làng, đơn vị văn hoá xuất sắc.
Tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình, Internet, điện thoại di động ngày càng tăng; tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh trên 95%.
Cơ sở vật chất phục vụ học tập, giảng dạy luôn được quan tâm đầu tư. Tình hình dạy và học ở các xã vùng bản đã từng bước đi vào nề nếp, có chất lượng. 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Công tác phổ cập tiểu học, chống mù chữ và phổ cập THCS được củng cố và duy trì.
Công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân được tăng cường. Hệ thống trạm y tế xã, thị trấn được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng: 22/22 xã, thị trấn có trạm y tế và có bác sĩ; 211 nhân viên y tế thôn, bản.
Huyện đã phát động các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; phong trào bảo vệ, tự quản đường biên, cột mốc; tổ chức kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới Việt – Lào, tăng tình đoàn kết hữu nghị với các huyện bạn Lào. Chủ động nắm chắc tình hình, chăm lo xây dựng thế trận an ninh và quốc phòng toàn dân. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong vận động thực hiện các phong trào ở cơ sở. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Tổ chức có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấy tranh trấn áp các loại tội phạm. Cấp uỷ, chính quyền đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Giải quyết tốt các mâu thuẫn nội bộ trong thôn, bản, không để tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người, vượt cấp xảy ra.
Từ sau Đại hội Đảng các cấp, các tổ chức cơ sở đảng được củng cố một bước. Cấp uỷ cơ sở đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ huyện, xác định được nhiệm vụ của địa phương; xây dựng được nghị quyết, chương trình hành động, quy chế hoạt động của Đảng uỷ. Đi đôi với công tác xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền các xã không ngừng được tăng cường, củng cố. Công tác cải cách hành chính thu được kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Các tổ chức đoàn thể Nhân dân được củng cố, kiện toàn theo quy định và hoạt động có hiệu quả, nhất là trong xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh giúp hội viên xoá đói giảm nghèo, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc ở huyện Hướng Hoá vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở thiếu quan tâm, sâu sát nên việc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Công tác dân tộc” chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo chưa thật sự đi vào nền nếp, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số bị kẻ xấu tuyên truyền, lôi kéo tham gia vào các tổ chức tôn giáo hoạt động trái phép. Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, đời sống, tập quán sản xuất ở nhiều vùng còn lạc hậu; còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của chính quyền, chưa tự chủ trong vươn lên xóa đói giảm nghèo cho gia đình. Cơ cấu cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương còn thiếu cả số lượng và chất lượng.
Để thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới, huyện Hướng Hoá đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, trọng tâm là tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW đến tận cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tượng trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chăm lo phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng – an ninh; giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống của đồng bào dân dộc. Quan tâm đến công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng đồng bào dân tộc. Tranh thủ các nguồn lực, chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đồng bào dân tộc vươn lên làm giàu, rút ngắn khoảng cách giữa vùng bản và vùng kinh tế mới. T.Trang