Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của huyện theo chiều sâu bằng việc thúc đẩy các mối liên kết nông dân – hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp để vận hành có hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất trên các vùng cánh đồng mẫu có tập trung diện tích và dồn điền đổi thửa; nâng cao, giá bán nông sản cho nhân dân và tạo ra giá trị mới cho nông sản. Tập trung chỉ đạo quy hoạch, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng; đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng với quy mô trên 120 ha. Huyện đã duy trì và ổn định diện tích cây lúa hàng năm 3.200 ha; chuyển đổi áp dụng giống ngắn ngày chất lượng cao vào sản xuất và từng bước xây dựng các cánh đồng mẫu, ứng dụng quy trình canh tác hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ bước đầu có hiệu quả. Phục hồi và trồng mới 417,2 ha tiêu, trong đó trên 100 ha chủ động tưới tiêu và cơ bản kiểm soát được dịch hại, nhất là bệnh chết nhanh hàng loạt, góp phần đưa cây tiêu phát triển theo hướng bền vững. Chăm sóc, khai thác hợp lý trên diện tích 4.145 ha cao su.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu được tập trung chỉ đạo thực hiện; nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương đã được các cơ quan chức năng chấp nhận, công bố về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ, nhãn hiệu và được vinh danh tại cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đặc biệt, việc hình thành bộ phân chuyên trách thương mại nông sản và đưa Website “Đặc sản Cam Lộ” vào hoạt động đã tạo được sự kết nối bền vững giữa nhà nông và doanh nghiệp, tạo cơ sở ban đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và đời sống Nhân dân.
Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung trang trại, gia trại gắn với an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường và hướng đến xây dựng thương hiệu, đạt chuẩn VIETGAP; quy mô, số lượng và chất lượng đàn được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 38% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.
Chuyển đổi đất rừng sản xuất có độ dốc dưới 15% sang trồng các loại cây dược liệu, chè vằng, sắn dây, cà gai leo, dứa, kết quả bước đầu mang lại hiệu quả cao. Việc áp dụng kỹ thuật lâm sinh tiên tiến, phát triển rừng sản xuất thâm canh theo hướng kỹ thuật canh tác, quản lý hiện đại theo chứng chỉ quốc tế và triển khai giao rừng tự nhiên cho hộ khoanh nuôi đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Diện tích rừng toàn huyện đạt 20.271,3 ha (rừng tự nhiên: 2.033,3 ha; rừng trồng: 18.238 ha), độ che phủ đạt 51%. Diện tích rừng thâm canh tham gia chứng chỉ FSC đạt trên 500 ha.
Chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, đa dạng hình thức hoạt động theo hướng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; đến nay toàn huyện có 18/18 Hợp tác xã (HTX) đã chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Có thể khẳng định rằng, hoạt động của HTX, THT trên địa bàn đang có nét đổi mới trong phương thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn như cầu hợp tác của nông dân về hình thành các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, thể hiện vai trò quan trọng không thể thiếu trong thực hiện các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh kinh tế nông thôn và giải quyết các vấn đề nông dân theo chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và đạt được nhiều kết quả quan trọng; hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được đầu tư hoàn thiện; từng bước hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, đường mẫu; đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn được thay đổi căn bản, toàn diện. Đến nay, tiêu chí xã NTM đạt 148/152 tiêu chí (tăng 34 tiêu chí so với đầu nhiệm kỳ), 7/8 xã về đích nông mới, phấn đấu cuối năm 2018 đạt 8/8 xã. Huy động tất cả nguồn lực tập trung xây dựng huyện NTM, phấn đấu cơ bản về đích trong năm 2019.
Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được tập trung chỉ đạo có hiệu quả. Hoàn thiện quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp Cam Tuyền; quy hoạch Trung tâm giới thiệu nông sản sạch Cam Lộ; quy hoạch các cụm công nghiệp- dịch vụ đón đầu trên các tuyến giao thông; trạm dừng, nghỉ chân dọc đường cao tốc Bắc- Nam đoạn qua huyện Cam Lộ và quy hoạch phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ trên địa bàn.
Thực hiện chủ đề “Năm doanh nghiệp” của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo UBND huyện đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng hành cùng doanh nghiệp bằng hệ thống thủ tục hành chính đã được công bố, hướng dẫn, đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư trên địa bàn. Trong 8 tháng đầu năm 2018, đã thu hút 03 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư 75,3 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư tại các Cụm Công nghiệp lên 33 dự án, với tổng mức đầu tư: 617,99 tỷ đồng, trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 670 lao động địa phương và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Hầu hết, các dự án đầu tư theo đúng định hướng quy hoạch của huyện: gắn vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến nông sản nhằm giải quyết đầu ra cho các loại cây trồng chủ lực, có thế mạnh của địa phương như: Gỗ nguyên liệu, lạc, sắn, tinh bột nghệ, cao lá vằng, cà gai leo....
Công tác quản lý ngân sách đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo chống thất thu và nợ đọng thuế, tăng cường các biện pháp tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu trên địa bàn. Tổng thu ngân sách địa phương: 204.914 triệu đồng, đạt 84,91% KH huyện giao, đạt 92,88% KH tỉnh giao. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn đến cuối tháng 6/2018: 76.597 triệu đồng, đạt 98,9% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó nguồn vốn do Trung ương và tỉnh quản lý: 18.942 triệu đồng, nguồn vốn do huyện quản lý 46.655 triệu đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu: 11.000 triệu đồng.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng đời sống văn hoá gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Phong trào xã hội hoá giáo dục, khuyến học, khuyến tài tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 82,4%. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao, tỷ lệ huy động học sinh duy trì ổn định. An sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chế độ chính sách đối với thương, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sỹ luôn được quan tâm; đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao, duy trì 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Chỉ đạo tổ chức thành công diễn tập chiến đấu phòng thủ 2 xã: Cam Chính, Cam Nghĩa và “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2018”.
Chỉ đạo triển khai nhiều mô hình mới mang tính sáng tạo trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm trên địa bàn và hoạt động có hiệu quả, trở thành hình mẫu về phong trào trong toàn tỉnh, như: mô hình “Họ, tộc không có người vi phạm pháp luật”; “Phật giáo huyện Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”, “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”...
Năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định là năm đột phá về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ xây dựng Chương trình công tác trọng tâm xác định các nội dung công việc cụ thể để tổ chức chỉ đạo thực hiện. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên; đặc biệt là việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp theo Quyết định số 399- QĐ/TU, ngày 18/11/2016, của Tỉnh uỷ về việc ban hành Đề án “Phát triển tổ chức Đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 -2020”, trong 8 tháng đầu năm đã kết nạp được 40 quần chúng ưu tú vào Đảng nâng, đạt tổng số đảng viên trong toàn huyện lên tới 2.676 đảng viên; thành lập 01 CĐCS Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Lâm sản Đường 9 xanh, với tổng số 12 đoàn viên.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả diễn đàn sinh hoạt chi bộ theo Kế hoạch số 47-KH/TU, ngày 22/3/2017, của Tỉnh ủy về việc tổ chức diễn đàn “Vai trò của chi bộ đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Công tác tổ chức, cán bộ: Đổi mới căn bản công tác đánh giá cán bộ thông qua xây dựng và triển khai thành công khung đánh giá năng lực cán bộ và phần mềm đánh giá năng lực cán bộ quản lý trong toàn huyện. Cán bộ lãnh đạo và quy hoạch lãnh đạo phòng, ban, ngành huyện đều được cử về sinh hoạt tại chi bộ nông thôn để rèn luyện năng lực thực tiễn.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước và “Năm dân vận chính quyền - 2018”; tăng cường công tác nắm bắt, phản ánh tình hình nhân dân thông qua trực báo Bí thư chi bộ; trực báo Mặt trận và các đoàn thể; thông qua đội ngũ cán bộ dân vận cấp huyện, xã và các Tổ dân vận thôn bản, khu phố. Qua đó đã giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Công tác cải cách hành chính được Nhân dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 30/8/2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng". Duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban Khối Nội chính để nắm bắt tình hình và chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề phức tạp, nhạy cảm xảy ra trên địa bàn, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới theo phương châm “Hướng về cơ sở”; chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quan tâm tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện theo tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và triển khai thực hiện Quyết định số 907, 908-QĐ/TU, ngày 29/3/2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chú trọng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều mô hình, phần việc thiết thực như: Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; bảo vệ môi trường; chỉnh trang nông thôn...
Có thể thấy rằng, huyện Cam Lộ đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, có tính đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định rõ trong năm 2018. Trong những tháng còn lại của năm, dự báo huyện sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, là huyện về đích đầu tiên trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. T.T