Ngày 11/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã họp nhằm triển khai chương trình, kế hoạch, mục tiêu để huy động nguồn lực từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia công tác bảo vệ môi trường.
Theo Bộ TN&MT, với việc đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là cơ sở pháp lý để các cấp từ Trung ương đến địa phương thực hiện các chương trình chiến lược từ phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, bảo vệ môi trường.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: KT |
Bên cạnh các kế hoạch dài hạn, Tổng cục Môi trường cần phải xây dựng các mục tiêu ngắn hạn để huy động được mọi nguồn lực xử lý các bức xúc về môi trường trong thời gian qua, đưa ra đánh giá, giải pháp, công cụ để giải quyết những vấn đề ô nhiễm nước thải, ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải…. Tổng cục Môi trường cũng cần phối hợp với các đối tác quốc tế, các địa phương để tìm ra được những mô hình tiên tiến nhất cùng thực hiện.
Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, Tổng cục Môi trường sớm lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên cho năm 2022 để phối hợp với các đơn vị cùng triển khai. Đối với những vấn đề lớn về công nghệ, phải cùng địa phương xem xét, tính toán và đưa ra mục tiêu thống nhất. Với những điểm nóng về môi trường, phối hợp với các cơ quan liên quan để cùng xử lý; với những khu vực, doanh nghiệp không tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kiên quyết xử lý theo pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để nhân rộng các kế hoạch, chương trình về bảo vệ môi trường.
Bộ TN&MT cũng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020, với mục tiêu sẽ đảo ngược xu thế suy thoái, ô nhiễm môi trường thông qua việc giảm thiểu phát sinh, tăng cường phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, tận dụng tối đa giá trị của chất thải; thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương, cơ sở.
Huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xử lý triệt để, khắc phục, cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu, lưu vực sông bị ô nhiễm.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn và làng nghề; triển khai đồng bộ các công cụ quản lý môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dựa trên việc phân loại theo tiêu chí về môi trường. Thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có tại dự án, cơ sở để sàng lọc, ngăn ngừa từ sớm, từ xa việc du nhập các công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu, ô nhiễm môi trường…
Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với trọng tâm là lấy bảo vệ sức khỏe người dân làm ưu tiên hàng đầu; đưa nhanh các chính sách mới của Luật đi vào cuộc sống.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa những chương trình, kế hoạch, mục tiêu để huy động được nhiều nguồn lực từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia công tác bảo vệ môi trường.