Huy động nguồn vốn bền vững cho nền kinh tế và từng doanh nghiệp 

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có bài viết quan trọng với tựa đề "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững".

 

So với tổng số DN hoạt động thì tỷ lệ DN niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé.

Về giải pháp phát triển thị trường tài chính, bài viết đã nêu ra giải pháp: “Thực hiện chính sách cân bằng giữa huy động vốn qua các tổ chức tín dụng ngân hàng với huy động vốn qua thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN”.

Xét ở phương diện vĩ mô, thị trường tài chính được cấu thành bởi hai thành tố chính là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Trong đó thị trường tiền tệ có chức năng chính là bảo đảm nguồn vốn ngắn hạn cho nền kinh tế (thuộc chức năng của các ngân hàng thương mại), còn thị trường vốn bảo đảm nguồn vốn trung và dài hạn (thuộc chức năng của thị thị trường chứng khoán). Sự phát triển của thị trường tài chính ở Việt Nam hiện nay đang bộc lộ một bất cập lớn, đó là sự mất cân đối sự thị trường tín dụng và thị trường vốn.

Thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn (dư nợ vốn tín dụng trung và dài hạn chiếm trên 50%). Do tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, để bảo đảm có nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng buộc phải đi vay (chủ yếu từ dân cư) nguồn vốn ngắn hạn. Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại hiện không bị hạn chế, do đó  để giải quyết nhu cầu vay, thanh khoản, dự trữ bắt buộc, các ngân hàng thương mại, nhất là nhóm các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ bị cuốn vào vòng xoáy của cạnh tranh lãi suất huy động, dẫn đến những bất ổn trong hoạt động huy động vốn và sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Đây cũng là lý do DN khó tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp, hạn chế năng lực cạnh tranh của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Xét ở phương diện vi mô, các DN có nhu cầu lớn về vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn vì nguồn vốn này có ý nghĩa quyết định đối với chiến lược đầu tư, phát triển của DN. Thông thường để có nguồn vốn này, các DN sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trên TTCK để có thể huy động vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng từ việc phát hành cổ phiếu dựa trên tính thanh khoản cao và uy tín của DN được niêm yết trên thị trường. Huy động theo cách thức này, DN không phải thanh toán lãi vay cũng như phải trả vốn gốc giống như việc vay nợ, từ đó sẽ rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của mình. Tuy nhiên ở Việt Nam, do nhiều lý do khác nhau các DN lại chủ yếu vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Điều này dẫn tới hệ quả là chi phí vốn vay cao, áp lực trả nợ lớn, tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh của DN.

So với tổng số DN hoạt động (750.000 DN) thì tỷ lệ DN niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé, khiêm tốn so với nhu cầu huy động vốn cho DN và nền kinh tế.

Vì vậy, yêu cầu bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, giải quyết việc mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn có ý nghĩa quyết định đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và hiệu quả hoạt động của DN nói riêng.

Tại sao DN chưa mặn mà với việc niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán?

Nguyên nhân đầu tiên là thói quen và tâm lý. Thị trường chứng khoán Việt Nam mới phát triển khoảng 20 năm, trong khi thị trường tín dụng đã phát triển hơn 70 năm qua. Thị trường tín dụng đóng vai trò quan trọng trọng việc cấp vốn cho nền kinh tế và DN, đã hình thành thói quen trong DN. Khi cần vay vốn, bất kể ngắn hạn hay dài hạn, DN đều nghĩ đến ngân hàng đầu tiên.

DN Việt Nam còn nhiều hạn chế, yếu kém. Các hạn chế, yếu kém chính là: Quy mô nhỏ bé, nguồn lực hạn chế, chưa có chiến lược phát triển dài hạn, quản trị DN còn nặng về kinh nghiệm, mang tính chất gia đình, chưa có thói quen và điều kiện để áp dụng các mô hình quản trị kinh doanh hiện đại chuẩn quốc tế vào hoạt động sản xuất – kinh doanh như yêu cầu hoạt động của công ty đại chúng.

Niêm yết trên thị trường chứng khoán đòi hỏi minh bạch về thông tin, công khai về kết quả sản xuất – kinh doanh của DN. Vì các lý do khác nhau như tâm lý e ngại, sợ bị tiết lộ các bí quyết kinh doanh, hoặc vì vấn đề lợi ích… DN không muốn niêm yết trên TTCK. Ngoài ra, chi phí niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay khá tốn kém. DN phải chi rất nhiều khoản như thuê tư vấn, kiểm toán, chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, quảng cáo, hội họp...

DN lo ngại quyền kiểm soát có thể bị đe doạ do việc niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán ảnh hưởng tới cơ cấu cổ đông, có thể dẫn tới sự thay đổi bất ổn định trong quá trình quản lý DN và có thể đe doạ đến quyền kiểm soát của các cổ đông lớn.

Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán gây áp lực đối với lãnh đạo DN về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh do luôn phải chịu áp lực giám sát của các cổ đông, áp lực phải nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh nhằm duy trì và tăng giá cổ phiếu trên sàn. Điều này dễ gặp hơn đối với các DNNN cổ phần hóa, do việc lãnh đạo ở công ty cổ phần đại chúng khác hoàn toàn với DNNN.

Các yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra để DN được niêm yết trên thị trường chứng khoán không phải công ty cổ phần nào cũng đạt được. Chẳng hạn điều kiện để trở thành công ty đại chúng, yêu cầu phải kinh doanh có lãi, 3 năm liền không có nợ quá hạn… Có những quy định còn quá khắt khe, chẳng hạn để được phát hành trái phiếu, DN phải được xếp hạng AA…
 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 252/2012/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 – 2020 và Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung là bảo đảm nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và DN, hướng tới xây dựng thị trường tài chính phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm cân bằng giữa huy động vốn giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn.

Mục tiêu cụ thể, tăng nhanh số lượng DN niêm yết trên thị trường chứng khoán và nguồn vốn huy động trên thị trường chứng khoán; giúp DN huy động vốn trung và dài hạn với chi phí thấp, thực hiện quản trị DN hiện đại theo chuẩn mực quốc tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và kinh doanh hiệu quả; bảo đảm tính an toàn cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Các giải pháp cụ thể

Một là, thực hiện minh bạch thông tin và áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế.

Cần có những quy định cụ thể hơn, đồng bộ hơn về minh bạch thông tin DN và đánh giá tín nhiệm DN làm căn cứ để Nhà nước, DN, nhà đầu tư có căn cứ chính xác để đưa ra các quyết định quản lý và đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các tổ chức định mức tín nhiệm là một yếu tố quan trọng để thị trường chứng khoán phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.

Thực hiện chuẩn hóa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Chuẩn mực kế toán Việt Nam thực hiện từ đầu năm 2000 đến nay sau nhiều lần bổ sung, hoàn thiện vẫn bộc lộ nhiều bất cập như: chưa kịp thời bổ sung các khác biệt theo chuẩn mực kế toán quốc tế; áp dụng chung cho tất cả mọi DN (kể cả DN lớn, DN nhỏ, DN niêm yết hay không niêm yết trên TTCK…); chưa thống nhất giữa chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán… Việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế là xu hướng phù hợp với việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho DN có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Hai là, quy định hạn mức huy động theo vốn điều lệ đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại.

Hiện nay Chính phủ chỉ quy định vốn pháp định cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, theo đó mức vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại là 3.000 tỷ đồng, đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15 triệu USD (Nghị định 86/2019/NĐ-CP).

Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; hạn chế, giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi… (Thông tư 22/2019/NHNN). Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các ngân hàng thương mại của Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy có các rủi ro khác đáng chú ý là cuộc đua lãi suất trong nhóm các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ nhằm bảo đảm các quy định an toàn và giải quyết khó khăn thanh khoản.

Điều này cho thấy các quy định về giới hạn, bảo đảm an toàn còn thiếu vắng các quy định về hạn mức huy động cho từng nhóm ngân hàng có mức vốn pháp định khác nhau. Việc thiếu vắng các quy định này tiềm ẩn rủi ro rất lớn khi các ngân hàng thương mại huy động nguồn vốn lớn hơn rất nhiều vốn tự có nhưng chỉ cần phát sinh nợ xấu ở 1 vài khách hàng lớn sẽ dẫn tới tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí dẫn tới mất khả năng thanh khoản dây chuyền trong hệ thống ngân hàng. Việc quy định mức dự trữ bắt buộc đổi với hoạt động cấp tín dụng, cho vay không có ý nghĩa nhiều vì thực chất số tiền dự trữ bắt buộc đó không phải nguồn vốn tự có của ngân hàng mà là nguồn vốn huy động. 

Vì vậy Chính phủ cần có quy định về hạn mức huy động tín dụng căn cứ vào nguồn vốn tự có/vốn pháp định của các ngân hàng thương mại với mức huy động tối đa từ 3- 5 lần vốn pháp định của ngân hàng. Kiến nghị về mức huy động tối đa này căn cứ vào quy định tại Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo đó khách hàng vay vốn, dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đáp ứng điều kiện: “Khách hàng đáp ứng đủ Điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn...”. Việc tính toán mức huy động tối đa cụ thể trên vốn pháp định sẽ do Ngân hàng Nhà nước đề xuất.

Thực hiện biện pháp này sẽ chấm dứt tình trạng huy động vốn bằng mọi cách, tranh đua lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát về thanh khoản, rủi ro tín dụng cao; đồng thời tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN giảm chi phí vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ba là, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân bằng thị trường tiền tệ và thị trường vốn, khuyến khích các DN niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngân hàng ưu tiên cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp các đơn vị đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Cho vay theo quản trị dòng tiền (thay đổi căn bản phương thức kinh doanh của hệ thống ngân hàng hiện nay đang cho vay dựa trên tài sản thế chấp).

Hệ thống ngân hàng thương mại cần quy định khống chế số dư nợ của DN mức rất thấp để khuyến khích các DN muốn làm ăn lớn phải huy động vốn trên sàn chứng khoán. Điều này một mặt buộc DN phải thay đổi thói quen vay vốn từ ngân hàng, mặt khác có tác dụng hạn chế rủi ro cho ngân hàng do nguồn vốn tự có của các ngân hàng thương mại Việt Nam rất thấp, trừ một vài ngân hàng có số vốn từ 1 tỷ - 5 tỷ USD, đa số các ngân hàng cổ phần Việt Nam có vốn khoảng 500 triệu USD. Do vậy nếu ngân hàng tập trung vốn cho một DN sẽ rất rủi ro khi DN vay vốn của ngân hàng làm ăn thua lỗ, gây ảnh hưởng dây chuyền.

Nghiên cứu chính sách hạn chế tiền gửi tiết kiệm (chẳng hạn đánh thuế trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm, thu phí gửi tiền tiết kiệm…) mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng để điều tiết dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác. Đây là chính sách khó thực hiện ở Việt Nam ở thời điểm hiện nay, tuy nhiên về lâu dài thì chính sách này có tác dụng giúp hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời có tác dụng đa dạng hóa các kênh đầu tư (phi tiết kiệm), giúp thị trường tài chính phát triển bền vững.

Bốn là, đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu DN nhà nước, trong đó trọng tâm là cổ phần hóa các DN nhà nước.

Hiện nay còn tình trạng là tiến trình cổ phần hóa DNNN chậm, không bảo đảm tiến độ và danh mục do Chính phủ quyết định. Thậm chí các DNNN sau cổ phần hóa chậm thực hiện việc niêm yết trên TTCK với nhiều lý do khác nhau.Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến tháng 9/2019 có tới 755 DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khóa, trong đó cơ tới 601 DN thuộc danh sách Bộ Tài chính đưa ra từ 2 năm trước. Chính phủ cần có biện pháp hành chính mạnh mẽ hơn để các DNNN sau cổ phần hóa phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Với việc đưa lực lượng DN này lên sàn chắc chắn sẽ tạo ra “cú hích” quan trọng, tạo luồng sinh khí mới cho sự phát triển của TTCK.

Năm là, thực hiện quản trị DN hiện đại.

Cần nhận thức rõ việc áp dụng quản trị DN hiện đại theo chuẩn mực quốc tế và minh bạch thông tin rất có lợi cho DN trong việc huy động vốn, xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, cần thay đổi tâm lý, thói quen “cần vốn là nghĩ đến ngân hàng” và thay bằng thói quen huy động vốn trên thị trường chứng khoán vì huy động vốn trên thị trường chứng khóa với chi phí thấp hơn nhiều so với vay vốn của hệ thống ngân hàng với chi phí rất cao. Kể cả huy động vốn quốc tế rất dễ dàng do công ty được kiểm toán quốc tế công khai, minh bạch. Đơn cử thời gian vừa qua các DN đã huy động vốn thành công trên thị trường chứng khoán đều nhờ quản trị DN hiện đại theo chuẩn mực quốc tế và niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán.

CEO Đặng Đức Thành 
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC) 
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

1241 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 969
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 969
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88327987