Huy động nguồn phát từ năng lượng tái tạo tăng 

(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 4 tháng đầu năm 2021 các nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) đều cao hơn so với kế hoạch, trong khi huy động từ nhiệt điện than, khí và nhập khẩu từ Lào tiếp tục giảm.

Theo báo cáo của A0, huy động nguồn điện trong năm 2020, hầu hết các nguồn phát điện đều giảm, sản lượng thấp nhất là nguồn nhập khẩu 85 triệu kWh và cao nhất là sản lượng từ nguồn nhiệt điện than 10.249 triệu kWh.

Chỉ có 3 nguồn phát cao hơn kế hoạch, trong đó, nguồn phát có sản lượng tăng cao nhất là năng lượng điện mặt trời với 1.168 triệu kWh, đứng thứ hai là thủy điện với 882 triệu kWh và cuối cùng là điện gió 248 triệu kWh. Tổng sản lượng nguồn phát trong năm 2020 giảm là 14.350 triệu kWh. Điện thương phẩm năm 2020 tăng 3,42% so với năm 2019, thay vì dự kiến tăng từ 8-10%.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, điện sản xuất của EVN đạt gần 82 tỷ kWh tăng 7,92%; điện thương phẩm đạt gần 71 tỷ kWh tăng 6,74% so với kế hoạch. Đáng chú ý, nguồn phát cao hơn kế hoạch tiếp tục là từ điện mặt trời áp mái 7970 triệu kWh, điện mặt trời trang trại 6.596 triệu kWh; điện gió 2.463 triệu kWh và thủy điện 883 triệu kWh; điện chạy dầu 23 triệu kWh.

Các nguồn điện tiếp tục giảm là nhiệt điện than 7.239 triệu kWh; khí 166 triệu kWh và nhập khẩu từ Lào 39 triệu kWh.

Huy động nguồn phát từ NLTT đặc biệt là điện mặt trời ngày càng tăng. Ảnh: VGP

 

Theo EVN, đến tháng 4/2021, phát triển nguồn NLTT là điện mặt trời trang trại có 10.317 MWp (9.200 MW AC); điện mặt trời áp mái 9.583 MWp (7.700 MW AC), điện gió 612 MW và trong năm 2021 sẽ có 1.208 cột gió vào vận hành với công suất tăng thêm là 1.394 MW.

Các số liệu này cho thấy, NLTT đã tham gia vào hệ thống điện với công suất và sản lượng khá cao so với các nguồn phát điện khác, việc này gây áp lực và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình vận hành của Hệ thống điện quốc gia, như gây ra tình trạng thừa nguồn, quá tải đường dây nội miền, đường dây liên kết 500 kV; phụ tải chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm lớn.

Hệ thống điện vận hành độc lập, thiếu dự phòng công suất; ảnh hưởng đến các yếu tố bắt buộc trong việc bảo đảm vận hành thị trường điện (bao tiêu các nhà máy BOT, các hợp đồng khí Nam Côn Sơn, Tây Nam Bộ…).

Điều này còn ảnh hưởng đến vận hành các nhà máy thủy điện lớn trong việc đảm bảo cấp nước cho hạ du, tưới tiêu, đặc biệt là đối với nhà máy thủy điện nhỏ huy động theo chi phí tránh được; ảnh hưởng đến vận hành các tổ máy nhiệt điện do đặc tính kỹ thuật của nhiệt điện trong vận hành chạy nền; phải duy trì một lượng tổ máy điện truyền thống để đảm bảo dự phòng quay, công suất lúc cao điểm, quán tính hệ thống và các yêu cầu quan trọng khác khi vận hành hệ thống (ổn định điện áp, qua tải lưới điện…); dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió khó khăn và sai số lớn do tính chất không ổn định của nguồn năng lượng này.

A0 cũng cho biết, dự kiến huy động nguồn mùa khô năm 2021, vào thời điểm 18h tăng gần 11.000 MW so với thời điểm lúc 12h nhưng vào thời điểm này, điện mặt trời lại bị mất đi hoàn toàn với tổng công suất 6.500 MW, trong khi đó, dải thay đổi công suất của nhiệt điện than và khí lại nhỏ (từ 20-30%).

Trong mùa mưa, cũng do đặc tính của NLTT nên sẽ phải tiết giảm từ 7.500-8.000 MW, trong đó, mất hoàn toàn điện mặt trời với công suất 6.500 MW, EVN sẽ phải huy động cao sản lượng, công suất từ nguồn thủy điện đề bù vào công suất thiếu hụt này.

Toàn Thắng

366 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1232
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1232
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87113389