Huy động nguồn lực tài chính cho Chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế 

(ĐCSVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với 12 nhiệm vụ lớn, trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

 

Ảnh minh hoạ (Ảnh: N.H) 

Theo đó, Bộ Tài chính đặt ra các nhiệm vụ cụ thể như triển khai kịp thời các giải pháp tài khóa, tiền tệ, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh; điều hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng đã có thông báo yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Bộ Tài chính giao Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN) chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan trình Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền về giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi NSNN ngay từ khâu phân bổ, nhất là chi thường xuyên, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai cũng như báo cáo lãnh đạo Bộ về phương án phấn đấu giảm bội chi NSNN.

Với tổng nguồn lực tài khóa của Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 khoảng 291.000 tỷ đồng, chiếm hơn 80% giá trị gói hỗ trợ, Bộ Tài chính đã chủ động, khẩn trương tính toán nguồn lực để huy động, đảm bảo nguồn lực cho Chương trình này ngay từ khi xây dựng Chương trình; khẩn trương thực hiện chính sách tài khóa để nguồn lực kịp thời đến được với người dân, DN. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho phép DN trích trừ vào chi phí chịu thuế thu nhập đối với khoản đóng góp tài trợ cho phòng, chống COVID-19; khẩn trương tính toán nhu cầu, nguồn lực để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tăng bảo lãnh Chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu trong nước để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách…

Bộ Tài chính dự kiến, việc thực hiện Nghị định 15 sẽ có tác động giảm thu NSNN của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp DN, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Ngay sau khi Nghị định 15 có hiệu lực, các đơn vị đã và đang vào cuộc khẩn trương để thực hiện việc giãn, giảm thuế cho người dân và DN, qua đó kịp thời hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh, được cộng đồng DN và người dân đánh giá cao.

Bên cạnh trình Chính phủ ban hành Nghị định 15, trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu đến hết ngày 31/12/2022. Các mức giảm theo dự thảo Nghị quyết dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong năm 2022 khoảng 15.976 tỷ đồng. Nghị quyết này nếu được thông qua sẽ góp phần làm giảm giá bán, hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19.

Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là Vụ NSNN, Kho bạc Nhà nước lên phương án để đảm bảo sẵn sàng nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho Chương trình cũng như các nhu cầu chi tiêu khác của NSNN. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tận dụng dư địa trong tăng thu như: đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu ở lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để phấn đấu tăng thu; tích cực tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, nhất là khoản chi có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản, cắt giảm khoản chi không thực sự cần thiết. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN cũng như rà soát các quỹ tài chính ngoài NSNN; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, cũng như rà soát các quỹ tài chính ngoài NSNN để có nguồn lực đảm bảo tối đa nhu cầu thực hiện của Chương trình.

 
M.P
168 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 609
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 609
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87232276