Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo về kinh tế Việt Nam (Ảnh: ĐH)
Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã được củng cố và song hành với ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn tăng trưởng trong thời gian qua chủ yếu dựa vào nhu cầu trên quy mô toàn cầu đang ở chu kỳ tăng. Đầu tư ở khu vực FDI và khu vực tư nhân đang khôi phục và quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến có năng suất cao hơn đang diễn ra.
“Tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và quý I/2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên. Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững dài hạn” – ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.
GDP của Việt Nam thực tăng gần 7,4% trong quý I năm 2018 nhờ môi trường bên ngoài thuận lợi với tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt đỉnh ở mức 3,1% trong năm 2018. Tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ chững nhẹ xuống 6,3% trong năm nay, chủ yếu do Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm dần.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục được cải thiện do kết quả vững vàng về thương mại và thu hút vốn FDI, đóng góp vào tổng thặng dư tài khoản vãng lai, ước đạt 6,8% GDP (quý I năm 2018). Tỷ giá được duy trì tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, ước đạt khoảng 63 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018.
Triển vọng trung hạn của Việt Nam tiếp tục cải thiện kể từ lần ban hành báo cáo trước vào tháng 12/2017. GDP theo giá so sánh dự kiến tăng 6,8% trong năm nay (so với 6,5% từ lần dự báo trước đó) trước khi ổn định ở mức 6,6% vào năm 2019 và 6,5% vào năm 2020 do sức cầu trên thế giới dự kiến sẽ chững lại.
Theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Điều kiện kinh tế thuận lợi như hiện nay với tăng trưởng cao và lạm phát thấp là cơ hội đặc biệt để đẩy mạnh cải cách. Chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng cần song hành với những cải cách cơ cấu sâu và toàn diện...
Báo cáo cũng cho thấy, mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều kết quả lớn về cắt giảm thuế quan nhưng hiện vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí thương mại thông qua hợp lý hóa các biện pháp phi thuế quan hoặc kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu quả quản lý cửa khẩu và dịch vụ hậu cần. Điều đó được thực hiện qua một chương trình tổng thể gồm 4 trụ cột: Giảm chi phí thương mại – liên quan đến thời gian tuân thủ các thủ tục và biện pháp kiểm tra chuyên ngành trước khi ra cửa khẩu và tại cửa khẩu; cải thiện chất lượng kết nối và hạ tầng liên quan đến thương mại; hình thành ngành dịch vụ logistics cạnh tranh; tăng cường phối hợp liên ngành và phối hợp với khu vực tư nhân./.
ĐH