|
Bộ GTVT đang hướng tới việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ theo hướng nhận diện xe kinh doanh vận tải qua tem đăng kiểm. Ảnh minh họa. |
Theo phương án 1, việc nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải được thực hiện thông qua các quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu như hiện nay. Phương án 2 là nhận diện thông qua màu biển số xe ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện. Phương án 3 nhận diện thông qua màu tem đăng kiểm.
Phân tích từng phương án, Bộ GTVT cho biết, nếu theo phương án 1, việc nhận diện sẽ phụ thuộc vào ý thức tuân thủ quy định của doanh nghiệp về việc gắn phù hiệu, biển hiệu, dẫn đến lực lượng chức năng khó kiểm soát điều kiện kinh doanh, hoạt động vận tải lộn xộn, thiếu minh bạch.
Phương án này cũng gây thất thu cho ngân sách khi không kiểm soát được quy mô, ngành nghề kinh doanh, nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải không đăng ký, không thực hiện đúng quy định về phù hiệu, biển hiệu. Người dân sẽ gặp rủi ro khi sử dụng dịch vụ kinh doanh vận tải trá hình.
Với phương án 2, quy định này sẽ được thực hiện theo phương thức, cá nhân, tổ chức khi đăng ký sở hữu phương tiện, đã phải xác định phương tiện đó có được sử dụng vào kinh doanh vận tải hay không. Thông qua việc nhận diện màu biển số, lực lượng chức năng kiểm soát được điều kiện kinh doanh, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác. Việc phân biệt màu biển số của phương tiện cho phép áp dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ một cách hiệu quả, đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Không những vậy, người dân tránh được rủi ro khi sử dụng đúng các phương tiện được Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này sẽ phải đầu tư kinh phí cho việc kết nối liên thông dữ liệu về đăng ký sở hữu phương tiện và cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, sẽ mất khoảng trên 100 tỷ đồng cho việc chuyển đổi giấy đăng ký và biển số xe đối với trên 700.000 xe đang kinh doanh vận tải.
Đối với phương án 3, sẽ được thực hiện theo phương thức, danh sách phương tiện kinh doanh vận tải sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm để thực hiện việc thay đổi tem đăng kiểm làm cơ sở cho việc nhận diện phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện không kinh doanh vận tải. Ngoài việc thay đổi màu để nhận diện thì tem đăng kiểm sẽ có thể dễ dàng in thêm mã QR mà không phát sinh thêm chi phí để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Phương án này phân biệt được giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, kiểm soát được nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải. Thông qua việc nhận diện màu và mã QR của tem đăng kiểm, giúp giảm thời gian kiểm tra giấy tờ, kiểm tra thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác.
Phương án này cũng không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước trong việc cấp lại giấy đăng ký và biển số để nhận diện so với phương án 2. Doanh nghiệp không thể tùy tiện trong việc gắn hoặc không gắn phù hiệu như phương án 1. Tuy phải liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu về cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và dữ liệu về đăng kiểm nhưng chi phí này là không đáng kể vì hai hệ thống trên đang tồn tại và có thể kết nối liên thông ngay.
Mặc dù vậy, người dân và doanh nghiệp có nguy cơ phải chi trả cho các chi phí liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính do không đến đơn vị đăng kiểm để thực hiện thay đổi màu tem đăng kiểm và mã QR.
Từ những phân tích, so sánh tác động của từng phương án, Bộ GTVT cho rằng lựa chọn giải pháp tối ưu là phương án 3 là nhận diện xe kinh doanh vận tải qua tem đăng kiểm.
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) liên quan đến việc quản lý và phát triển taxi công nghệ, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã giao Bộ GTVT nghiên cứu kinh nghiệm của các nước; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) trên tinh thần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải đối với tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, tạo khung khổ pháp lý chặt chẽ, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu cao nhất là đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo định hướng xây dựng Nghị định này với một số trọng tâm: Loại bỏ các nội dung quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết, không phù hợp với Luật giao thông đường bộ; Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý vận tải để thay thế cho phương thức quản lý truyền thống; Bỏ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn cố định trên nóc xe taxi (doanh nghiệp tự quyết định việc gắn hộp đèn trên nóc xe), thay vào đó dùng phần mềm cùng với phù hiệu, biển hiệu xe và tem kiểm định khác biệt để quản lý; Xây dựng hạ tầng công nghệ nhằm kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe ô tô…
Trên tinh thần đó, Bộ GTVT đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định với sự thống nhất cao của các bộ có liên quan; trong đó thể hiện rõ quan điểm ứng dụng công nghệ trong điều hành xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 09 chỗ ngồi, kể cả xe taxi (taxi sử dụng đồng hồ tính tiền - taxi truyền thống; taxi sử dụng phần mềm để tính tiền, kết nối lái xe với hành khách - taxi công nghệ), xe hợp đồng (sử dụng hợp đồng văn bản giấy hoặc điện tử), xe du lịch (sử dụng hợp đồng văn bản giấy hoặc điện tử); tương ứng với mỗi loại hình là các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh phù hợp.
Dự thảo Nghị định không có nội dung cản trở đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn loại hình vận tải; vì vậy, đơn vị kinh doanh vận tải hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mình theo pháp luật.
Phan Trang