Hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh đạt 10% vào năm 2025 

(Chinhphu.vn) – Hiện nay số lượng các tổ chức tín dụng (TCTD) ở Việt Nam tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh năm 2023 là 43 đơn vị, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay còn thấp, mới chiếm 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế, còn cách khá xa mục tiêu 10% vào cuối năm 2025.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh đạt 10% vào năm 2025 - Ảnh 1.

Hội thảo "Tín dụng xanh - Việt Nam không thể chậm chân với Net Zero" do báo Lao Động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội - Ảnh: VGP

Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tại Hội thảo "Tín dụng xanh - Việt Nam không thể chậm chân với Net Zero" do báo Lao Động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách ddwoj ban hành để thúc đẩy, khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh, góp phần vào tốc độ tăng trưởng dư nợ của lĩnh vực này đạt khoảng 26%/năm. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Ban định chế tài chính Agribank cho biết thời gian qua Agribank rất quan tâm đến phát triển tín dụng xanh. Nhận thức được vai trò, Agribank tích hợp chiến lược phát triển xanh trong chiến lược phát triển của ngân hàng. Agribank có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên việc phát triển tín dụng xanh rất quan trọng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Agribank luôn ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh, một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải.

"Để thực hiện quá trình phát triển xanh, Agribank luôn luôn cải tiến các cơ chế, quy trình và có những phương án để tiếp cận với hệ thống tài chính xanh như: cho vay qua tổ vay vốn, cho vay bằng hình thức xe lưu động. Điểm giao dịch lưu động là một trong các sáng kiến mới của Agribank đã được NHNN phê duyệt để mang nguồn vốn tới vùng sâu vùng xa" - bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ .

Còn ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Ban Tài trợ dự án ngân hàng BIDV, cho biết, kể từ năm 2018, BIDV đã hạn chế cấp tín dụng đối với các lĩnh vực ảnh hưởng đến môi trường như các dự án năng lượng hóa thạch (nhiệt điện, điện than…), dự án thủy điện lớn, dự án gây phát thải nhà kính. Theo lộ trình đến năm 2035, BIDV sẽ không còn dư nợ cho vay các dự án nhiệt điện, điện than.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh đạt 10% vào năm 2025 - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Ảnh: VGP

Xây dựng cơ chế triển khai chiến lược xanh hiệu quả hướng tới Net Zero

Tuy nhiên, tổng dư nợ tín dụng xanh hiện nay mới đạt 528 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6% trong tổng dư nợ nền kinh tế, còn cách khá xa mục tiêu 10% vào năm 2025.

Theo ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) tại KPMG Việt Nam và Campuchia, các ngân hàng cần có chính sách và chiến lược về tín dụng xanh riêng biệt, đa dạng hóa sản phẩm, tích hợp các rủi ro môi trường vào khung quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường xã hội đồng bộ để công bố thông tin minh bạch,  nâng cao năng lực cho nhân viên, thực hiện các mô hình chịu đựng các rủi ro khí hậu...

Ông Nguyễn Quốc Hưng kiến nghị các cơ quan quản lý sớm hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tổng thể liên quan đến triển khai tài chính bền vững nói chung và tín dụng xanh nói riêng, định hướng phát triển từng ngành hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trước mắt, sớm ban hành Tiêu chí phân loại dự án xanh, hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo chuẩn quốc tế; đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể, định hướng ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh.

"Các cơ chế, khuyến khích của Chính phủ, NHNN khi triển khai cấp tín dụng xanh hiện đang dừng ở mức khuyến khích chung. Chưa có cơ chế ghi nhận trong quá trình đánh giá, xếp hạng đối với tổ chức tín dụng có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh, cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn/ kênh tiếp cận nguồn vốn thực sự hiệu quả để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng xanh. Nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay", đại diện BIDV góp ý.

Anh Minh

108 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 643
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 643
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87204238