Hướng tới mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân 

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT). Đặc biệt, ngày 07/9/2009 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”. Sau 15 năm triển khai, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa ngành BHXH Việt Nam và ngành y tế; công tác tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật BHYT ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2008, cả nước chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 46,1% dân số thì đến cuối năm 2023, cả nước đã có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân. Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Chính vì vậy, thẻ BHYT được nhiều người dân coi như “phao cứu sinh”, là “thẻ hộ mệnh” của bản thân và gia đình. Cùng với tỷ lệ dân số tham gia BHYT ngày càng tăng, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia cũng ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Theo đó, hệ thống khám, chữa bệnh BHYT được tổ chức từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại; nhiều thuốc mới, hiệu quả cao.

Ước tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền giám định, thanh toán hơn 66,92 nghìn tỷ đồng.

Việc gia tăng số người tham gia BHYT, cũng như gia tăng số lượt khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc cho thấy chính sách BHYT đang đi đúng định hướng và đã trở thành một biện pháp hiệu quả góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc hiệu quả sức khỏe Nhân dân.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để tiếp tục thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về mục tiêu BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, hướng tới BHYT toàn dân, ngành BHXH Việt Nam và ngành y sẽ tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất mở rộng các quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia BHYT; ban hành các quy trình, quy chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT, giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, sử dụng lãng phí quỹ BHYT để tập trung mọi nguồn lực cho khám chữa bệnh (KCB), đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân. Trí Ánh (Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)

130 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 483
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 483
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88177028