|
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: K.D) |
Ngày 28/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Dương Đình Giám, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên cơ sở nguồn lực hiện có, phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên được xác định trong giai đoạn 2030 là hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mặt khác, tập trung nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp mạnh có năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, làm nền tảng cho giai đoạn sau, tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Đặc biệt, tập trung phát triển ngành, lĩnh vực công nghiệp với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn và tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, sử dụng công nghệ cao ở những lĩnh vực phù hợp. Trong đó, phải chú ý các mặt hàng xuất khẩu có nhiều tiềm năng như nông sản, thuỷ sản, dệt may, giày dép, gốm sứ hay sản phẩm tiểu thủ công nghiệp…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho biết, nhằm đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 23-NQ/TW về phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2045, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chiến lược công nghiệp thay thế cho chiến lược 2014, tầm nhìn đến 2025. Lãnh đạo Bộ Công Thương dự kiến trong quý II sẽ trình Chính phủ chiến lược này. Vì vậy, đây là buổi hội thảo đầu tiên để lấy ý kiến xây dựng để có thể đưa ra dự thảo trong tuần tới.
Để tạo lập hệ thống chính sách đồng bộ, ông Dương Đình Giám cho rằng, thời gian tới cần tập trung giải quyết tình trạng manh mún, tự phát; quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến khó áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để có được nguồn nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp phong phú, chi phí thấp, chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hơn nữa, việc thực hiện liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị cần được Nhà nước can thiệp giải quyết cho đúng với quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo cũng cho rằng, mô hình liên kết giữa hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp chế biến ở một số nơi đã thu hút được những kết quả tốt và nên nghiên cứu để nhân rộng. Riêng công nghiệp chế biến, phải tập trung giải quyết tình trạng đa nhưng không tinh; hỗ trợ đổi mới công nghệ, định hướng phát triển vào các thị trường khó tính và đưa các dự án cơ khí nông nghiệp, cơ khí đóng tàu và cơ khí chế biến vào danh mục ưu đãi của chương trình công nghiệp hỗ trợ.
Đáng lưu ý, doanh nghiệp cần sự trợ giúp từ phía Nhà nước và hiệp hội ngành hàng trong việc kịp thời giúp pháp lý khi xảy ra các tranh chấp thương mại ở thị trường quốc tế. Không những thế, phải có sự chia sẻ thông tin về thị trường và các thông tin liên quan đến phát triển ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tạo dựng mối liên kết phát triển trong cả sản xuất và tiêu thụ giữa các thành viên trong và ngoài hiệp hội, hướng tới mục tiêu hiệu quả cao và phát triển bền vững.
Kim Dung