Hội thảo là diễn đàn mở chính thức đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề “Phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp” với sự tham gia của hầu hết các cơ quan chủ quản của Việt Nam, các doanh nghiệp, các học giả trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh– Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chủ tịch Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội khẳng định: Mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho công dân toàn cầu tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, nó cũng trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức. Tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng và đang tạo nên một thách thức lớn không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Theo thống kê của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, Việt Nam đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 37% dân số, đây là tỷ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Trung bình mỗi ngày một người Việt Nam vào mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút. Trong đó, 78,1% người sử dụng mạng xã hội đã trở thành nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét trên môi trường này.
Hiện chưa có khái niệm đầy đủ về "hate speech" (phát ngôn gây thù ghét), nhưng có thể tạm hiểu đây là phát ngôn chế nhạo, phỉ báng, quấy rối, khuyến khích những người có thái độ căm ghét, hay xúi giục tấn công người khác ngoài đời thực về giới tính, sắc tộc, tôn giáo hay khuyết tật.
Theo GS.TS Phạm Quang Minh, phát ngôn gây thù ghét ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay ở Việt Nam với rất nhiều trường hợp nằm ngoài sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Internet đang cho người ta công cụ là "hòn đá vô hình" để ném vào người khác. Nhiều người từng bắt gặp việc bị lập các tài khoản Facebook giả bằng thông tin, hình ảnh về gia đình con cái của họ với mục đích để bôi nhọ danh dự cá nhân.
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ, bao gồm ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tại của mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần những giải pháp khả thi, có tính lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: MT)
Hiện nay, các trang mạng xã hội đều cài đặt chức năng “thông báo vi phạm”, cho phép người dùng báo cáo những nội dung sai sự thật, kích động thù hận. Tuy nhiên, việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế của thời đại kỷ nguyên số. Trước tình trạng này, đã đến lúc các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc hạn chế những phát ngôn gây thù ghét.
Để hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng, các đại biểu thống nhất quan điểm đề xuất “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam”, kết hợp việc tăng cường thực thi quản lý nhà nước với những quy định cụ thể và những biện pháp “mềm” mang tính đạo đức, giáo dục. Bộ quy tắc được xây dựng dựa trên Bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu với Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội cùng thảo luận để tìm ra các giải pháp khả thi, hướng tới xây dựng một môi trường mạng xã hội an toàn và công bằng cho người sử dụng./.
MT