Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Bích Liên)
Diễn đàn nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, trao đổi các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam tầm nhìn 2050.
Theo Bộ KH&CN, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững; nước ta cũng có nhiều nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách theo nhiều hướng tiếp cận như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến và thân thiện với môi trường. Để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một trong những vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, để đáp ứng nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, các đơn vị trong nước cần làm chủ công nghệ, tránh bị phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay đang tăng trưởng với mức độ cao. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. “Chúng ta đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng, cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng đang đặt ra bài toán cần phải giải quyết.” - Thứ trưởng cho biết.
Diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2017. (Ảnh: Bích Liên)
Theo ông Đỗ Mạnh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Scheneider Electric Việt Nam, là nước đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu nên chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả, đóng góp vào việc giảm lượng CO2. Ông Đỗ Mạnh Dũng cũng cho biết, cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng là các thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tiết giảm khoảng 30% năng lượng đang bị sử dụng không hiệu quả. Với sự kết nối của IT (công nghệ phần mềm) và OT (công nghệ phần cứng), người sử dụng năng lượng và chính phủ có cơ hội tiết giảm năng lượng không hợp lý.
“IT làm cho mọi thiết bị trở nên thông minh hơn với phần mềm và trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, trong một thành phố, từ nguồn cung cấp điện cho đến cơ sở dữ liệu (hộ sử dụng, nhà máy, khu công nghiệp, tòa nhà) đều cần được phần mềm thông minh và trí tuệ nhân tạo kiểm soát, kết nối, điều khiển. Từ máy móc tại các hộ gia đình cho tới tòa nhà, nhà máy đều được quản lý để tối ưu việc sử dụng năng lượng. Nhờ vậy, người quản lý biết từng khu vực, ngôi nhà... đã sử dụng bao nhiêu năng lượng, lấy từ những nguồn nào. Bởi vậy, việc làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là nhu cầu bức thiết”, ông Dũng cho hay.
Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chiến lược năng lượng cần phải đặt trong chiến lược về công nghệ thì mới giải quyết được sự căng thẳng trong cung-cầu năng lượng. Cùng với đó là ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao thay vì các ngành cổ điển tiêu tốn tài nguyên và năng lượng; hướng tới hệ thống năng lượng sạch và an toàn với trục chính là các nguồn năng lượng tái tạo./.
Bích Liên