Hướng tới công bằng, Nghị định 86 sẽ "hoà giải" taxi truyền thống và taxi công nghệ? 

(Chinhphu.vn) – Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86 mới) lần này đang được Bộ GTVT xây dựng theo hướng đảm bảo công bằng giữa taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ.

 

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT).
Ảnh: VGP/Phan Trang

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) – đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo Nghị định 86 mới – về những điểm mới mà dự thảo đưa ra trong việc đảm bảo công bằng giữa hai loại hình đang gây nhiều tranh cãi hiện nay đó là taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ.

Theo dự thảo Nghị định 86 mới, xe “hợp đồng điện tử” sẽ không phải gắn mào "TAXI ĐIỆN TỬ", nhưng phải niêm yết chữ "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ", xin ông cho biết, quy định này sẽ giúp cơ quan chức năng trong việc nhận diện, quản lý như thế nào?

Ông Trần Bảo Ngọc: Theo Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) có 5 loại hình vận tải khách gồm: vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng, du lịch. Việc nhận diện các loại hình này đã được quy định rõ trong Luật. Tuy nhiên, đến năm 2014, các phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ vào Việt Nam và ứng dụng trên các phương tiện vận tải, Bộ GTVT nhận thấy đây là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ, vì thế Bộ hoan nghênh và khuyến khích cả 5 loại hình trên đều ứng dụng công nghệ.

Theo dự thảo lần này có nêu rõ, đối với loại hình taxi truyền thống (Điều 6) nếu ứng dụng công nghệ thay cho bộ đàm trước đây và sử dụng phần mềm điều xe, tính tiền các chuyến đi thay cho đồng hồ tính tiền,… có thể lắp thêm mào “TAXI ĐIỆN TỬ” để người dân nhận biết và sử dụng các thiết bị (smartphone) gọi xe.

Còn đối với loại hình xe hợp đồng, như chúng ta đã biết trước đây sử dụng hình thức kí với nhau bằng hợp đồng giấy (tạm gọi là “xe hợp đồng truyền thống”) bây giờ nếu ứng dụng công nghệ vào để thay thế hình thức kí trên giấy giữa đơn vị kinh doanh vận tải với hành khách thì nay dùng hình thức hợp đồng điện tử. Những xe thuộc trường hợp này ngoài phù hiệu XE HỢP ĐỒNG thì gắn thêm phù hiệu niêm yết XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ. Việc này nhằm mục đích để người dân, đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan quản lý Nhà nước phân biệt giữ “xe hợp đồng truyền thống” và “xe hợp đồng điện tử”.

Có ý kiến cho rằng “xe hợp đồng điện tử” sử dụng phần mềm tính tiền hoạt động dựa trên yêu cầu của khách hàng thông qua khoảng cách (km) theo nhu cầu, thời gian chờ đợi và giá cước mặc định theo khung giá của doanh nghiệp, hành trình và lịch trình theo yêu cầu của khách phải được quy định là hình thức “taxi điện tử” và thực hiện theo các điều khoản đối với taxi. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này không quy định “xe hợp đồng điện tử” phải gắn mào “taxi điện tử”. Tại sao lại như vậy, thưa ông?

Ông Trần Bảo Ngọc: Chúng tôi không quy định “xe hợp đồng điện tử” gắn mào “taxi điện tử” vì trên thực tế, trong 5 loại hình vận tải trong Luật Giao thông đường bộ tôi vừa nêu ở trên chỉ có taxi là được quyền đón khách dọc đường. Và để làm được như vậy thì mào gắn trên xe taxi giúp cho hành khách nhận diện được từ xa khi có xe tới, đặc biệt là vào ban đêm.

Đây là đặc quyền riêng của taxi mà các loại hình xe khác không có.

Có thể thấy Dự thảo Nghị định mới đã tiến dần tới sự công bằng cho cả taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử, vậy các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp quản lý như thế nào để các quy định mới khi đi vào thực tế phát huy được hiệu quả?

Ông Trần Bảo Ngọc: Trong Dự thảo lần này, chúng tôi thực hiện chủ trương của Chính phủ là cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo môi trường bình đẳng cho doah nghiệp.

Cụ thể, đối với xe taxi, chúng tôi rà soát và bỏ rất nhiều điều kiện kinh doanh không còn phù hợp khi đã quy định cách đây 10 năm trong Luật Giao thông. Ví dụ như: doanh nghiệp kinh doanh taxi không nhất thiết phải có hệ thống bộ đàm mà có thể sử dụng hệ thống phần mềm thay thế; bỏ quy hoạch về taxi thành phố; bỏ quy định tối thiểu về số lượng xe taxi của doanh nghiệp; bỏ quy định về phương án kinh doanh khi cấp giấy phép cho doanh nghiệp; niên hạn của taxi ở các đô thị đặc biệt từ 8 năm kéo dài lên 12 năm… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tạo thuận lợi cho taxi đó là ưu tiên được đón trả khách ở những nơi thành phố cấm, không cấm và cắm các biển đón trả khách cho taxi cũng như ưu tiên cho taxi trong tổ chức giao thông.

Đối với xe hợp đồng, chúng tôi đưa thêm các điều kiện để đảm bảo các xe hợp đồng điện tử có điều kiện tương đương như đối với taxi. Ví dụ như: chỉ có doanh nghiệp hợp tác xã sử dụng xe dưới 9 chỗ mới được ứng dụng hợp đồng điện tử; niên hạn xe trước đây là 20 năm giờ quy định là 12 năm để tương đồng với taxi…

Cả taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử đều phải gửi hoá đơn điện tử cho hành khách và cho Tổng cục Thuế để đáp ứng nhu cầu đóng thuế đúng và đủ.

Ông vừa nói đến việc thay đổi niên hạn của taxi và xe hợp đồng để đảm bảo tương đồng giữa điều kiện kinh doanh. Liệu việc thay đổi này có đảm bảo an toàn giao thông không vì niên hạn xe ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng phương tiện cũng như khả năng vận tải khách, đặc biệt trong các đô thị?

Ông Trần Bảo Ngọc: Trong Dự thảo lần này có 2 thay đổi về niên hạn. Đối với taxi, chúng tôi kéo dài tuổi của xe taxi ở các đô thị đặc biệt từ 8 năm lên 12 năm để đảm bảo tương đồng giữa các đô thị. Còn xe hợp đồng rút từ 20 năm xuống còn 12 năm với “xe hợp đồng điện tử”.

Nguyên nhân của việc thay đổi này đó là trước đây đối với “xe hợp đồng truyền thống” muốn kí kết hợp đồng thì hai bên phải gặp nhau, kể cả cách nhau đến 10 km thì khách vẫn phải đến tận doanh nghiệp vận tải để ký hợp đồng rồi mới thực hiện được chuyến xe. Tuy nhiên, khi có ứng dụng công nghệ thì hành khách có thể ngồi nhà để ký hợp đồng điện tử. Sự thuận tiện này sẽ giúp tăng nhu cầu sử dụng xe hợp đồng lên, khách đi nhiều hơn, doanh nghiệp kí được nhiều hợp đồng hơn, trước đây ngày chỉ đi được 2-3 chuyến nay tăng lên 7-8 chuyến, tần suất sử dụng xe tăng lên thì xe sẽ chóng hỏng nên cần rút niên hạn xe xuống để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn cho người dân.

Còn đối với xe taxi, trước đây có quy định niên hạn 8 năm trong đô thị đặc biệt nhưng trên thực tế có những xe sau khi hết niên hạn rồi họ lại đi đăng ký ở tỉnh ngoài rồi lại quay về thành phố hoạt động tiếp, vì vậy việc tăng niên hạn taxi từ 8 năm lên 12 năm để tương đồng với các địa phương cũng như tương đồng với xe hợp đồng điện tử là điều cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Phan Trang (thực hiện)

542 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1170
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1170
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87095978