Hướng tới chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ 

(Chinhphu.vn) - Trong giai đoạn 2020-2030, ngành chăn nuôi được định hướng phát triển hiện đại, công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Song song với phương thức chăn nuôi công nghiệp, phát triển phương thức chăn nuôi hữu cơ gắn với chăn nuôi truyền thống.

 

Ngành chăn nuôi đang dần hiện đại hóa với các doanh nghiệp áp dụng hàm lượng khoa học công nghệ cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi Việt Nam thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn. Chăn nuôi chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng. Ngành thu hút khối lượng lớn nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là đầu tư nước ngoài. Năng suất và chi phí sản xuất chăn nuôi được cải thiện đáng kể…

Tuy nhiên, mục tiêu và định hướng phát triển chăn nuôi trong Chiến lược chưa đánh giá hết được vai trò quan trọng của yếu tố thị trường đối với sự phát triển của ngành hàng thịt lợn và yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả với chăn nuôi trâu, bò thịt...

Chiều 24/10 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040” khu vực phía bắc.

 

Toàn cảnh cuộc hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong giai đoạn 2020-2030, ngành định hướng phát triển các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Theo đó, các sản phẩm chăn nuôi quốc gia bao gồm lợn, gia cầm, bò sữa, bò thịt.

Thực tế đến nay, tỉ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tăng ở mức thấp khoảng 31,5-32%, không đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 (mục tiêu của Chiến lược 2020 là 42%).

Lý do là phần lớn các địa phương có tăng trưởng mạnh về nông nghiệp những năm qua đối với nhóm cây công nghiệp, cây ăn trái, rau hoa thì với chăn nuôi chưa được đầu tư tương xứng, chẳng hạn khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 15-20% trong nông nghiệp…

Điển hình trong chăn nuôi lợn, mục tiêu trong Chiến lược đặt ra là phải tăng đàn lợn bình quân 2% năm, tổng đàn đạt 35 triệu con vào năm 2020; trong đó tỉ trọng đàn lợn ngoại nuôi trang trại, công nghiệp chiếm 37%.

Tuy nhiên, kết quả thực tế trong 10 năm, đàn lợn chỉ có tốc độ tăng trưởng 0,5%/năm với tổng đàn duy trì ở mức 26-29 triệu con.

Nhưng nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến và đổi mới phương thức chăn nuôi nên đã làm tăng năng suất và khối lượng giết mổ lợn thịt. Sản lượng thịt lợn tăng trưởng bình quân 3,3%/năm, tiệm cận với mục tiêu Chiến lược đặt ra.

Chăn nuôi gia cầm có tốc độ tăng trưởng đàn đạt 5,1% cao hơn so với mục tiêu đặt ra, tổng đàn gia cầm đã đạt 409 triệu con, cao hơn kế hoạch 136%.

Mặc dù vậy, an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi còn yếu, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất chưa phát triển mạnh.

Một điểm nhấn trong thực hiện Chiến lược là từ một ngành không được coi là tiềm năng, chăn nuôi bò sữa đã lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng về sản lượng sản xuất sữa tươi. Mặc dù so với mục tiêu trong Chiến lược không đạt về tốc độ tăng trưởng và tổng đàn nhưng sản lượng sữa tươi đã vượt mục tiêu Chiến lược đặt ra.

Góp ý tại hội thảo, ông Trần Xuân Đông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, cho biết, chăn nuôi ở tỉnh chưa khai thác hết thế mạnh, tiềm năng.

Hằng năm, tỉnh mới chỉ đáp ứng 60-65% nhu cầu thực phẩm, còn lại phải nhập từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương… Tỉnh mới có trên 200 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, chỉ chiếm hơn 16% số lượng vật nuôi của tỉnh.

“Quảng Ninh đã quy hoạch 17 vùng chăn nuôi tập trung, nhưng vẫn không cụ thể được mỗi huyện xã cần bao nhiêu diện tích đất đai cho chăn nuôi. Quy hoạch chăn nuôi đi sau nên việc dành đất cho chăn nuôi rất khó khăn do trùng với các lĩnh vực khác”, ông Đông nhấn mạnh.

Ông Trần Xuân Đông đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành quy định “cứng hóa” về diện tích chăn nuôi chiếm bao nhiêu phần trăm trong phát triển nông nghiệp. Nếu vẫn tận dụng chăn nuôi trong làng, xã thì sẽ không thể công nghiệp, hiện đại, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng cần đánh giá sâu hệ thống ngành. “Nếu cấp huyện không có nhân lực chuyên sâu về chăn nuôi để góp ý, tham mưu cho ngành thì rất khó phát triển. Trong hệ thống ngành, con người là quan trọng nhất. Nếu có chính sách mà không có con người thi hành thì chính sách chỉ là trên giấy”, ông Sơn nhìn nhận.

Về định hướng phát triển thời gian tới, ông Sơn góp ý nên nhấn mạnh về mục tiêu nào đó và nên đi vào chất lượng giống, chất lượng sản phẩm. Thời gian tới triển khai Luật Chăn nuôi, ông Sơn mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Chăn nuôi cần triển khai quyết liệt để luật đi vào cuộc sống.

Đồng tình với ông Sơn, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên - tỉnh chủ yếu phát triển chăn nuôi đại gia súc - cho biết, tỉnh sẽ tập trung cải tạo đàn giống vì giống đại gia súc cận huyết rất nhiều.

Trong giai đoạn 2020-2030, ngành chăn nuôi định hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hoá, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ với môi trường.

Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 đặt ra mục tiêu mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2025 trung bình 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt trung bình 3-4%/năm.

Đỗ Hương

297 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1079
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1079
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87194036