Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: MD)
Ngày 21/10, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức một Tọa đàm về giới và nhận thức của giới truyền thông.
Tọa đàm được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam với tham dự các các đại biểu đến từ Ủy ban Phụ nữ ASEAN, Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN, đại diện một số Bộ, ngành tại Việt Nam, đại diện UN Women và các tổ chức quốc tế có liên quan, các tổ chức phi Chính phủ và các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo đánh giá, thiên vị giới và định kiến giới đã tràn ngập dưới mọi hình thức truyền thông ở ASEAN. Phụ nữ vẫn còn xuất hiện ít trên truyền thông và thường được miêu tả trong những vai theo kiểu định kiến. Đáng quan tâm là bạo lực đối với phụ nữ đã trở nên bình thường trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Truyền thông có ảnh hưởng lớn tới nhận thức xã hội, khiến các em trai và em gái tiếp nhận định kiến giới một cách vô thức. Việc tiếp xúc liên tục với các định kiến về giới làm giảm sự nhạy cảm của công chúng và kiến họ vô cảm với hiện tượng bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử về giới.
Đặc biệt, với 74% dân số ASEAN ngày nay được tiếp cận với mạng internet thông qua điện thoại di động thì một yêu cầu bức thiết hiện nay là nâng cao nhận thức về giới cho những người làm công tác truyền thông và giải quyết việc những định kiến giới gây ra tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Cuộc tọa đàm đã tập trung vào vấn đề nâng cao hiểu biết và nhận thức của những người làm công tác truyền thông về bình đẳng giới.
Các đại biểu đã thảo luận các biện pháp để việc nâng cao nhận thức của truyền thông về giới có thể đóng góp cho việc chống lại những định kiến giới có tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái và làm thay đổi quan hệ giới trong bối cảnh của khu vực ASEAN.
“Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng giới”, ngài Kung Phúc (Kung Phoak), Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN phát biểu. Ông cũng nói thêm: “Quan trọng là phụ nữ được khắc họa một cách tích cực trên truyền thông và các em gái có thể nhìn thấy bản thân mình là những tác nhân mạnh mẽ của sự thay đổi, thay vì đứng ngoài một cách thụ động. Quan trọng hơn nữa là các em trai có thể coi phụ nữ là một đối tác bình đẳng, có khả năng lãnh đạo”.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, “việc coi đàn ông và trẻ em trai là những tác nhân tạo ra sự thay đổi trong việc giải quyết những định kiến về giới vẫn là một yếu tố quan trong trong cuộc chiến giành bình đẳng giới”.
Được biết, Ủy ban phụ nữ ASEAN vẫn tiếp tục cam kết lồng ghép bình đẳng giới trong các cơ quan khác của ASEAN, đặc biệt là các cơ quan công tác về truyền thông, thông tin, văn hóa và nghệ thuật như các Quan chức cấp cao ASEAN phụ trách về thông tin (SOMRI) và các Quan chức cấp cao ASEAN phụ trách về Văn hóa và nghệ thuật (SOMCA)./.
Minh Thư