Tròn 50 năm sau ngày giải phóng Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) – huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, chính quyền và nhân dân Hướng Hóa đang tiếp nối truyền thống anh hùng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao quà cho các cựu chiến binh huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, trong chương trình “Nghĩa tình Khe Sanh”, tối 17/6/2018. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
|
Ý nghĩa sâu sắc của chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh
Về thăm Hướng Hóa và dự chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh” nhân dịp 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trong quá trình khảo sát kết quả thực hiện chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, biên giới, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của đồng bào, từ đó càng cảm nhận sâu sắc thêm về ý nghĩa của chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh lịch sử.
Chiến thắng đã đập tan cứ điểm Khe Sanh, là nơi phòng thủ kiên cố, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh của địch. Từ đó, tạo yếu tố quan trọng trong chiến thắng Xuân Hè 1972, giải phóng Quảng Trị, tạo đà cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân lịch sử năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh xương máu của chiến sỹ, đồng bào, đồng chí và cảm phục tấm lòng thủy chung, son sắt đối với cách mạng, với Đảng, Bác Hồ của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô; khắc ghi và giữ gìn mối tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào anh em.
Trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Mỹ ngụy đã xây dựng tuyến Đường 9-Khe Sanh thuộc tỉnh Quảng Trị, thành khu vực trọng điểm có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Theo Lịch sử Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị (1966-1973), so với các vùng chiến thuật khác, đây là vùng địch tập trung số lượng quân và phương tiện chiến tranh có quy mô lớn nhất nhằm mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, tạo ra bức “bình phong” án ngữ trực tiếp cho địa bàn Trị-Thiên Huế, đồng thời giữ cho ngụy quân, ngụy quyền trong khu vực khỏi bị tan rã.
Ngày 31/12/1967, Đảng ủy Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị ra Nghị quyết nêu rõ, trong Xuân Hè năm 1968, toàn mặt trận phải quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ một phần hệ thống phòng ngự của địch ở Đường 9 và phát triển vào Trị-Thiên Huế; thu hút, giam chân, tiêu diệt lực lượng Mỹ ngụy ra Đường 9 càng nhiều càng tốt; đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với các chiến trường toàn miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Trị-Thiên Huế tiến công và nổi dậy, giải phóng nông thôn, đồng bằng.
Đêm 20 rạng sáng 21/1/1968, pháo binh của Sư đoàn 304 khai hỏa liên hồi, trước sự bất ngờ của địch. Hai ngày sau, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9-Khe Sanh hạ lệnh, tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm phòng ngự Huội San nằm sát biên giới Việt-Lào, trong đó trung tâm là cứ điểm Tà Mây. Đây là cứ điểm ngăn chặn Đường 9 rất quan trọng của địch ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Bên cạnh các lực lượng bộ đội chủ lực, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội xe tăng của ta được trực tiếp vào chiến trường tham gia chiến đấu với quyết tâm kiên quyết đánh thắng trận đầu, một xe, một người cũng quyết đánh. Nếu phải chuyển sang đánh ban ngày cũng quyết đánh cho đến khi thắng lợi.
Đến ngày 31/1/1968, sau 11 ngày chiến đấu, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 quân địch. Khi Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của quân Mỹ cũng là lúc quân dân ta đồng loạt nổ súng đánh địch ở các đô thị trên toàn miền Nam. Với khẩu hiệu “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của quân Mỹ,” ta đã sử dụng chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt” để diệt cụm cứ điểm Tà Cơn của chúng. Sau 170 ngày đánh địch, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn Khe Sanh vào ngày 9/7/1968, qua đó kết thúc thắng lợi chiến dịch Đường 9-Khe Sanh Xuân Hè 1968. Với chiến thắng này, Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng.
Trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng ở địa bàn Quảng Trị năm 1968, nguyên Phó Trưởng ban An ninh Quảng Hà, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang năm nay đã 80 tuổi nhận định: Trong Tổng tiến công Xuân năm 1968, trên mặt trận Đường 9-Khe Sanh, quân ta đánh địch sớm nhất, quyết tâm nhất và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhất. Những chiến thắng liên tiếp ở Đường 9-Khe Sanh đã cổ vũ bộ đội, nhân dân, đồng loạt nổ súng và nổi dậy đánh Mỹ ngụy.
Tiếp nối truyền thống Anh hùng trong thời kỳ đổi mới
Tượng đài xe tăng ở Khu di tích lịch sử Làng Vây bên Đường 9 - Khe Sanh. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
|
Từ vùng đất vốn là chiến trường với những hố bom, dây thép gai, Hướng Hóa đã và đang trở thành "miền đất hứa" của các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, thủy điện. Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết, thời gian qua địa phương tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch; qua đó tạo cú hích cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 do Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia năm 2017. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng, gồm 15 tua bin công suất 30 MW. Bên cạnh đó, Nhà máy thủy điện Hướng Phùng do Công ty Cổ phần Năng lượng Quảng Trị đầu tư với gần 600 tỉ đồng cũng đang được xây dựng. Đây là công trình thủy điện cấp III, gồm hai tổ máy tổng công suất 18 MW, điện lượng trung bình trên 76,8 triệu Kwh/năm. Sau khi hoàn thành vào năm 2021, Nhà máy thủy điện Hướng Phùng sẽ cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia. Hướng Hóa cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió Hướng Lộc, Hướng Phùng; điện mặt trời Hướng Linh; đập thủy điện đầu nguồn sông Sê Măng Hiêng...Bên cạnh đó Hướng Hóa tập trung phát triển các ngành: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, bao bì, nước uống tinh khiết, chế biến nông lâm sản. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 1.220 tỉ đồng.
Đối với thương mại, dịch vụ, Hướng Hóa phát huy lợi thế của Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối qua 13 tỉnh của 4 nước gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo không xa là Trung tâm thương mại Lao Bảo luôn thu hút đông đảo khách du lịch đến mua sắm. Hướng Hóa cũng đang tập trung phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái và trải nghiệm. Qua đó, địa phương có thể khai thác một cách tốt nhất hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Làng Vây, Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo; danh thắng Chênh Vênh cùng vẻ đẹp của thác Tà Puồng, thác Ồ Ồ, hang động Prai; bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô... Trong tháng đầu năm 2018, giá trị thương mại, dịch vụ của huyện Hướng Hóa đạt trên 2.900 tỉ đồng, dự kiến cả năm sẽ lên đến khoảng 6.000 tỉ đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hướng Hóa đã xây dựng vùng chuyên canh cây trồng chủ lực, đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng doanh nghiệp liên kết với nông dân để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Theo đó, diện tích cà phê của huyện đã đạt trên 5.000 ha. Từ lâu thương hiệu "Cà phê Khe Sanh" đã nổi tiếng. Hiện nay địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân tái canh và trồng mới cà phê để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hướng Hóa cũng đã phát triển được gần 220 ha hồ tiêu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỉnh lựa chọn cà phê, hồ tiêu tham gia vào chuỗi sản phẩm chủ lực quốc gia, bởi đây là những cây trồng chủ lực của tỉnh và có lợi thế cạnh tranh. Huyện Hướng Hóa còn có 1.075 ha cao su, 3.780 ha chuối cùng với đàn trâu, bò hàng chục nghìn con, là những cây trồng, vật nuôi chủ lực giúp người dân thoát nghèo.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, huyện Hướng Hóa cũng quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Thu nhập bình quân đầu người ở Hướng Hóa đã đạt trên 32 triệu đồng/người; tỷ lệ trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ đã đạt 100%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi huy động đến trường đạt 99,8%; sóng truyền hình phủ đến 100% thôn, bản; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 92%... Huyện Hướng Hóa đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.