Những năm qua, huyện Hướng Hóa luôn quan tâm đầu tư cho các xã vùng sâu, vúng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bàn dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, với mục tiêu từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong đó, cùng với chú trọng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng… huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy tính tự lực, tự cường, thực hiện các chính sách hỗ trợ và tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương cũng như với khả năng tiếp thu của người dân. Do đó đã từng bước làm thay đổi diện mạo ở các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới, đời sống đồng bào DTTS đã được cải thiện rõ rệt.
Trường Tiểu học và THCS Hướng Lộc được đầu tư xây dựng khang trang
Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết, là xã biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. Toàn xã hiện có 831 hộ, với 4.213 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều sinh sống ở 6 thôn, gồm Ba Viêng, thôn 10, A Ho, Thanh 1, Thanh Ô và thôn Mới. Trong những năm qua, xã luôn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, với nguồn vốn trên 12 tỷ đồng đã đầu tư, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Bên cạnh đó, người dân được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, mạnh dạn đầu tư công sức, nguồn vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của quê hương làm cho đời sống của người dân ngày một cải thiện. Cùng với tạo điều kiện cho Nhân dân đầu tư phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, hoa màu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; xã đã phối hợp với Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa tích cực vận động và hỗ trợ cho Nhân dân đầu tư thâm canh diện tích sắn nguyên liệu KM 94. Đến nay, toàn xã hiện có 951 ha sắn, mỗi năm cho nguồn thu hàng tỷ đồng. Trong chăn nuôi, các hộ gia đình chú trọng khâu chọn giống và tiêm phòng dịch bệnh, tổng đàn trâu bò hiện có gần 714 con, đàn dê 1.225 con, đàn lợn 343 con, gia cầm các loại hơn 5.700 con.
Mô hình trồng cây Chanh leo đem lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào DTTS
Sản xuất rộng nước đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho đồng bào DTTS
Không chỉ ở xã Thanh, các xã vùng đồng bào DTTS khác cũng có sự đổi thay vượt bậc về cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần ổn định cuộc sống của Nhân dân. Xã Hướng Lập là địa phương vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Hướng Hóa, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà cộng đồng, trạm y tế, trường học đã được đầu tư xây dựng phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm thay đổi diện mạo địa phương vùng sâu này.
Trưởng thôn Tri, xã Hướng Lập Hồ Văn Chí cho biết, cuối năm 2015, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã hỗ trợ đưa 34 hộ dân ở thôn Tri về sinh sống ở khu định cư tập trung. Theo đó, các công trình hạ tầng như đường giao thông nối liền với đường Hồ Chí Minh vào đến tận thôn. Những điểm qua suối được thay bằng tràn bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và thông thương hàng hóa của dân bản. Các điểm trường tiểu học và mầm non được đầu tư xây dựng khang trang. Điện lưới quốc gia đã về tận thôn. Có điện, có đường, có trường học cho các cháu học sinh nên người dân rất phấn khởi, yên tâm làm ăn. Nhờ đó, mức sống của bà con cũng từng bước được nâng lên.
Để tiếp tục đầu tư thúc đẩy vùng miền núi phát triển, UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Với mục tiêu thực hiện Chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lơi thế của huyện, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân... Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, là hơn 562 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025, với 10 dự án thành phần.
Theo đó, huyện Hướng Hóa phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người DTTS tăng 1,5 - 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 2,5 – 3%/ năm; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 80 - 90% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, tuy đời sống và diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện Hướng Hóa đã có đổi thay, song vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Hướng Hóa tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị và các xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch của huyện để triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ mục tiêu, đối tượng, nội dung, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện các tiểu dự án. Đồng thời thành lập Tổ công tác, gồm các thành viên của các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các xã, thị trấn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ vậy, đến 22/9/2023 tổng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong năm 2023 đã giải ngân hơn 73 tỉ đồng, đạt 42,88% so với kế hoạch, trong đó nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân hơn 60 tỉ đồng, đạt 38,90% kế hoạch.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiếu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ làm thay đổi đời sống của đồng bào DTTS và cảnh quan bộ mặt các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Nguyễn Đình Phục