Cổng chào thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 200 triệu đồng là 1 trong nhiều công trình nông thôn mới được xây dựng dựa trên sự đóng góp của Nhân dân trên địa bàn. Được biết, ngay khi xã có chủ chương xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, Nhân dân trong thôn đồng tình, ủng hộ. Không chỉ đóng góp kinh phí, nhiều hộ dân còn tình nguyện tham gia ngày công lao động, dỡ bỏ tường rào, đốn hạ cây cối và hiến đất để thi công các tuyến đường trong thôn…
Về quá trình triển khai xây dựng nông thôn ở địa phương, đồng chí Nguyễn Thái Bình, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hợp cho biết, khi phát động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, điều kiện của địa phương và đời sống của Nhân dân còn khó khăn nhiều mặt. Để tạo sự thống nhất cao trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với địa phương, lợi ích thiết thực của mỗi người dân, từ đó có ý thức và trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đã được sự ủng hộ tích cực của người dân nên năm 2015, Tân Hợp là xã đầu tiên của huyện Hướng Hóa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện nay xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu.
Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, huyện xác định, để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nhu cầu về vốn là rất lớn. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu bước vào xây dựng nông thôn mới, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực thực hiện chương trình.
Theo đó, huyện vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia khác; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã; đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo kế hoạch đề ra. Huyện tạo điều kiện thuận lợi để các xã chủ động phát huy nguồn lực tổng hợp; chỉ đạo các xã rà soát, chọn lọc các công trình thật sự cần thiết để đầu tư và đầu tư theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình cụ thể, tránh nợ đọng khi đã đạt chuẩn sau này.
Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, Hướng Hoá đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức giúp người dân nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, huyện chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thu, chi, nghiệm thu, thanh, quyết toán các công trình. Đồng thời biểu dương, khuyến khích kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, những mô hình, cách làm hay trong công tác vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tích cực tham gia, ủng hộ, đóng góp xây dựng nông thôn mới dưới nhiều hình thức như: Đóng góp kinh phí, ủng hộ ngày công lao động, hiến đất…
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2021, là 410.177,8 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 216.868,6 triệu đồng, ngân sách địa phương 14.496,8 triệu đồng, vốn lòng ghép 172.009,9 triệu đồng, vốn huy động trong cộng đồng dân cư 9.067,8 triệu đồng và Nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất, ủng hộ hàng nghìn ngày công lao động… Nhờ vậy, nên kết cấu hạ tầng kinh tế hạ tầng nông thôn được tăng cường, nhất là hệ thống giao nông thôn, trường học, các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở ngày càng được hoàn thiện.
Nhờ huy động tốt các nguồn lực, nên chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hướng Hóa đã đạt được những kết quả tích cực với tổng số 218 tiêu chí đạt, bình quân mỗi xã đạt 11,47 tiêu chí xây dựng NTM. Toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và mưa lũ cuối năm 2020, nên đến cuối năm 2021, trong 5 xã đạt chuẩn NTM có 2 xã đạt 19/19 tiêu chí, 3 xã đạt từ 16 – 18 tiêu chí; các xã còn lại, trong đó 5 xã đạt từ 10-13 tiêu chí, 9 xã đạt 7-9 tiêu chí.
Để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, đến năm 2025 có thêm 03 - 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 15 - 18 tiêu chí; 05 - 08 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 02 - 03 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 09 - 12/36 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 65/94 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 22/37 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1385 của Thủ tướng Chính phủ. Với phương châm “Dân cần, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ” thời gian tới, Hướng Hóa tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo và gắn trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các phòng, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; làm cho người dân hiểu được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là biện pháp tổng hợp để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, không trong chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước, phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của chủ thể là cư dân nông thôn nhằm phát huy nội lực, huy động sức mạnh tổng hợp vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp. Trong công tác huy động nguồn lực đầu tư thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, huyện xác định nguồn lực xã hội hóa là quan trọng và tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới; có cơ chế khuyến khích, huy động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đóng góp thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, huyện sẽ thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội ở nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, nước sạch, điện, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, các thiết chế văn hoá, thể thao… đảm bảo theo tiêu chuẩn của các Bộ, ngành Trung ương quy định.
Chặng đường xây dựng nông thôn mới của huyện Hướng Hoá thời gian tới còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của Nhân dân, chắc chắn huyện Hướng Hoá sẽ hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra làm cho đời sống, cảnh quan bộ mặt nông thôn mà nhất là các xã vùng sâu, vùng xa ngày càng thay đổi.
Nguyễn Đình Phục