Sản phảm chuối đem lại nguồn thu lớn
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn
Hướng Hóa là một huyện miền núi với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn. Những năm qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển sang canh tác các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, chuối, chanh leo, sắn nguyên liệu… luôn được người dân tích cực thực hiện. Tuy nhiên, do kỹ thuật trồng, chăm sóc của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc tăng cường mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề về sản xuất cho người dân, giúp họ từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng được huyện Hướng Hóa đẩy mạnh thực hiện.
Là một trong 14 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Xa Cách, cho biết, nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn, nhất là các lớp học nghề bảo vệ thực vật, trồng cây cao su, sắn nguyên liệu đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tham gia các lớp học nghề ngắn hạn, các học viên là nông dân trên địa bàn đã được trang bị kiến thức về kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh và thu hoạch. Nhờ thế năng suất, sản lượng các cây trồng được tăng lên, góp phần thiết thực giảm nghèo và không ít hộ đã vươn lên khá giàu.
Ông Hồ Văn Bình ở thôn Đồng Tâm, xã A Dơi cho biết, hiện nay gia đình ông có 4 ha cao su, trong đó 2 ha đã cho khai thác mủ; 3 ha sắn và nuôi 10 con bò. Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc, kỹ thuật cạo mũ cao su, nên năng suất các loại cây trồng đều tăng, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Xa Cách cho biết thêm, xã A Dơi là một trong những địa bàn có diện tích trồng cây cao su, sắn nguyên liệu khá lớn, với 562 ha cao su, trong đó 450 ha cao su cho khai thác mủ, 500 ha sắn. Lớp học nghề sẽ giúp nông dân trên địa bàn nâng cao kỹ thuật canh tác và chăm sóc các loại cây trồng, để từ đó nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản, đem lại thu nhập cao cho các nông hộ.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu kiếm tìm việc làm và áp dụng có hiệu quả vào việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế của người dân chính là hướng đi được huyện Hướng Hóa đã đề ra. Từ đó, công tác đào tạo nghề nông thôn tập trung vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sau khi học nghề, kiến thức của người học được áp dụng vào hoạt động sản xuất thực tiễn, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề hàng năm đạt trên 80%.
Người dân A Dơi khai thác mủ cao su
Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề
Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa Hồ Duy Tuấn cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo đã có nhiều cố gắng trong công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; việc tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đã có sự phối hợp đồng bộ hơn.
Cùng với quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ do Tổng Cục Dạy nghề và Sở LĐ - TB&XH tỉnh tổ chức, riêng trong năm 2022, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã phân bổ hơn 1,6 tỉ đồng cung cấp thiết bị dạy may và cung cấp thiết bị tin học dạy nghề, ngoài ra đầu tư xây mới phòng học lý thuyết, tường rào, nhà bảo vệ với tổng kinh phí 4 tỉ đồng. Riêng từ năm 2021 đến tháng 6/2023, trên địa bàn huyện đã tổ chức 38 lớp học nghề với 811 học viên, trong đó nghề nông nghiệp 30 lớp với 611 học viên, nghề phi nông nghiệp 8 lớp với 200 học viên tham gia, gồm các nghề như: đan lát truyền thống, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật trồng cây cà phê, trồng chuối, khai thác cao su…
Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng đã phối hợp với sàn giao dịch việc làm vệ tinh Hướng Hóa tổ chức mở các phiên giao dịch với hàng trăm lượt lao động tham gia, ngoài ra tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hoạt động trên địa bàn huyện, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên có nhu cầu lựa chọn ngành nghề phù hợp, đúng với năng lực, sở trường. Nhờ thế từ năm 2021 đến nay, tổng số lao động được tạo việc làm mới trên địa bàn huyện là 5.006 người, trong đó lao động trong tỉnh 1.883 người, lao động ngoài tỉnh 2.829 người, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 294 người.
Thông qua việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và vùng sâu; góp phần giúp các xã hoàn thiện tiêu chí về việc làm, thu nhập và hộ nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, huyện Hướng Hóa sẽ chú trọng tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tay nghề; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sau học nghề có cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Nguyễn Đình Phục