Hướng Hóa chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số 

Huyện Hướng Hóa có hơn 94 nghìn dân bao gồm có 3 dân tộc: Kinh, Vân Kiều, Pa Kô sinh sống trên địa bàn 21 xã, thị trấn, trong đó có gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở 14 xã vùng bản đặc biệt khăn. Đảng bộ huyện hiện có 43 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 26 đảng bộ cơ sở, 17 chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy, 05 đảng bộ bộ phận, với 4.489 đảng viên.

Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC hệ không tập trung

Đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa quản lý là những người có chức vụ, có vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị của huyện, quyết định vào sự nghiệp xây dựng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng ở địa phương.

 Tuy nhiên, những năm trước đây, phần lớn cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các xã trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị còn thấp. Nhiệm kỳ 2010- 2015, trong tổng số 120 cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số có 95 đồng chí tốt nghiệp THPT, 22 đồng chí tốt nghiệp THCS, 3 đồng chí tốt nghiệp Tiểu học. Về trình độ lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị có 11 đồng chí, trung cấp lý luận chính trị 62 đồng chí, 57 đồng chí chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Về trình độ chuyên môn, đại học có 6 đồng chí, trung cấp có 26 đồng chí, sơ cấp 12 đồng chí, 76 đồng chí không có trình độ chuyên môn.

Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ thiếu ý thức vươn lên trong học tập; cấp ủy đảng ở cơ sở chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách và các quy định của Đảng về công tác cán bộ trong tình hình mới; điều kiện đời sống kinh tế gia đình khó khăn và khả năng học tập còn hạn chế nên thiếu nhiệt tình tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời do địa bàn ở xa trung tâm huyện nên việc tham gia học các lớp bổ túc văn hóa ở huyện gặp khó khăn. Mặt khác một số cán bộ do ngại vì bản thân đã lớn tuổi nên không tham gia các lớp đào tạo để đạt chuẩn theo yêu cầu.

Từ đó dẫn đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao chất lượng không cao, khả năng quy tụ, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế; nhận thức và triển khai các văn bản cấp trên chưa đầy đủ. Làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu khoa học; việc triển khai, xây dựng các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng chưa sát hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trước tình hình đó, những năm qua, Đảng bộ huyện Hướng Hóa luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo yêu cầu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Huyện ủy đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết và quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và chính sách đãi ngộ cán bộ, trong đó có những chính sách ưu đãi, khuyến khích cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đã chỉ đạo mở 4 lớp Bổ túc Trung học phổ thông ở các cụm xã vùng bản cho 300 học viên, trong đó chủ yếu cán bộ là người dân tộc thiểu số được miễn học phí và hỗ trợ một phần công tác phí; cán bộ học trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, đại học chuyên ngành được hỗ trợ một phần kinh phí.

Ngoài ra, huyện đã chủ động phối hợp với các trường đại học mở 4 lớp đại học tại chức và từ xa tại huyện, trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Hàng năm, huyện cử cán bộ theo học các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn và Học viện Chính trị khu vực 3, Đà Nẵng. Huyện ủy đã chỉ đạo Trung tâm Chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức trên các lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ xã và các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện. Riêng năm 2021, Trung tâm Chính trị huyện đã mở 12 lớp đào tạo, bồi dưỡng, với 861 học viên theo học; phối hợp với Trường chính trị Lê Duẩn điều hành, quản lý và phục vụ quá trình học của lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 8, với 79 học viên theo đúng chương trình và kế hoạch đã đề ra; Phối hợp với Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin – Đại học Huế, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Trị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp lớp Đại học Luật từ xa cho 77 sinh viên; phối hợp với Trường Đại học Luật Huế tổ chức thi cuối kỳ cho 22 sinh viên lớp Đại học Luật chính quy, văn bằng 2; phối hợp với các tổ chức cơ sở đảng, mặt trận, đoàn thể tổ chức 10 lớp quán triệt học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện lần thứ XVII, với 920 học viên tham gia.

Với những nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số trong những năm qua của huyện, nên nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong tổng số 317 cấp ủy viên cơ sở, có 127 cấp ủy viên là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đều có trình độ học vấn trung học phổ thông, trình độ chuyên môn 4 thạc sĩ, 95 đại học, 28 cao đẳng, trung cấp; về trình độ lý luận chính trị 14 cao cấp, cử nhân, 112 trung cấp; trong tổng số 33 huyện ủy viên, có 10 huyện ủy viên là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trình độ chuyên môn 1 thạc sĩ và 9 đại học.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, Đảng bộ huyện Hướng Hóa tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện liên quan đến công tác cán bộ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi của huyện nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

- Trên cơ sở thực trạng trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian qua, xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo từng năm và cả nhiệm kỳ. Quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, đồng thời thực hiện tốt công tác tạo nguồn, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số một cách hợp lý, có hiệu quả.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, báo cáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học tại các cơ sở đào tạo của huyện; từng bước đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tạo điều kiện về thời gian và định hướng phân công nhiệm vụ hợp lý để cán bộ có thể học tập, nâng cao trình độ. Phối hợp, liên kết với các trung tâm đào tạo, các trường đại học để thực hiện đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng.

- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ. Xây dựng cơ chế đối với việc đào tạo lại cán bộ người dân tộc để chuẩn hóa chức danh cán bộ, đồng thời bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số có đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Hướng Hóa ngày một phát triển nhanh, bền vững.

Đình Phục

480 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 722
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 722
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76805748