|
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp nông thôn |
Ngày 18/8, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.
Hội nghị do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã chủ trì. Đây là hội nghị quan trọng thứ 5 của Chính phủ trong năm nay nhằm tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới từ nay tới năm 2020 và các năm tiếp theo.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp nông thôn về các chính sách phát triển liên kết sản xuất, HTX trong thời gian tới ở nước ta.
Ý nghĩa của Nghị định số 98 của Chính phủ và Quyết định số 461 của Thủ tướng Chính phủ đối với việc phát triển liên kết sản xuất trong nông nghiệp là gì, thưa ông?
Ông Ma Quang Trung: Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là chính sách không mới. Cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 80 về tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng nhưng chưa đi vào cuộc sống. Tới năm 2013, Bộ NN&PTNT tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định số 62 nhưng chỉ tập trung cho liên kết cho cây lúa trên diện tích nhỏ 500.000 ha và sau này là vài nghìn ha chè.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, vấn đề cạnh tranh về chất lượng và giá cả nông sản là sống còn. Hiện nay, nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ lẻ thì không quản lý được chất lượng và an toàn thực phẩm. Hầu hết sản lượng sản xuất nhỏ, chỉ sản xuất những cái mình có chứ không làm cái người ta cần. Các mô hình sản xuất HTX, trang trại đa phần thiếu kết nối với doanh nghiệp-thị trường nên hoạt động kém hiệu quả, đời sống xã viên chậm được cải thiện.
Trước thực trạng đó, dựa trên các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98 vào tháng 7/2018, tập trung phát triển liên kết sản xuất ở cả 5 lĩnh vực lớn của ngành nông nghiệp là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp. Xây dựng các chuỗi kết nối từ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến cho tới khâu cuối cùng là tổ chức tiêu thụ nông sản cho tất cả các đối tượng hộ nông dân, trang trại, HTX, doanh nghiệp. Nói tóm lại, mục tiêu là HTX cứ sản xuất được sản phẩm nào thì đều phải gắn với tiêu thụ.
Nghị định 98 có nhiều chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất về xây dựng dự án, đầu tư hạ tầng, đào tạo lao động… nhưng bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế về chống bán phá giá, trợ giá…
Khác các quy định trước đây, hỗ trợ của nhà nước chỉ dựa trên cơ sở pháp lý là hợp đồng liên kết, dự án liên kết theo đúng định hướng quy hoạch nông sản của quốc gia, địa phương, tuân thủ chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có chế tài xử lý nếu vi phạm hợp đồng. Nghị định cũng ban hành kèm mẫu hợp đồng cụ thể…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng cho rằng cán bộ các cấp phải nhận thức đúng bản chất của HTX kiểu mới. Trong khi đó, cũng có việc một số địa phương vì danh hiệu xã nông thôn mới mà thành lập HTX cho có, chứ chưa chú trọng tới hiệu quả hoạt động. Vậy làm thế nào để khắc phục được việc này?
Ông Ma Quang Trung: HTX kiểu mới phải bảo đảm thành lập theo các quy định của Luật HTX năm 2012 và hoạt động có hiệu quả. Tính hiệu quả ở đây là đánh giá hiệu quả của các xã viên chứ không phải là lời lãi của HTX. Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 09 vào năm ngoái với các bước đánh giá một HTX hoạt động thế nào là tốt, khá, trung bình và yếu. HTX được đánh giá là tốt, khá là các HTX hiệu quả. Tính tới cuối năm 2017, cả nước có hơn 4.120 HTX hoạt động hiệu quả và số này ngày càng tăng lên.
Đúng là có hiện tượng các địa phương thành lập HTX cho đủ tiêu chí về sản xuất nhưng đây chỉ là số rất ít. Hằng năm, các địa phương sẽ đánh giá theo Thông tư 09 này để loại được những HTX yếu kém và cũng không thể làm qua loa tiêu chí này của nông thôn mới được.
Với số HTX hoạt động hiệu quả được tính như hiện tại, thì trong gần 3 năm tới, mỗi năm phải có 3.000 HTX hiệu quả để tới năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 15.000 HTX được không, thưa ông?
Ông Ma Quang Trung: Thực tế đây là con số cao so với hiện nay khi mới có khoảng trên 4.120 HTX hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, con số này cũng thể hiện quyết tâm rất lớn của Quốc hội và Chính phủ để tự thúc ép chúng ta nhanh chóng vượt lên khỏi nền nông nghiệp nhỏ lẻ. Nếu quá ít HTX hiệu quả thì không thể đẩy nhanh quá trình tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên, con số 15.000 HTX cũng có cơ sở: Thứ nhất là duy trì số HTX hiệu quả hiện nay. Thứ hai, với 5.400 HTX đánh giá là chưa hiệu quả thì các địa phương sẽ phải hỗ trợ để có các HTX chuyển đổi hoạt động. Với dạng này, có HTX gồm hàng nghìn thành viên nhưng chỉ đi bán thuốc trừ sâu, phân bón, bán giống nên càng bán nhiều thì càng có thu nhập tốt. Mà thuốc trừ sâu sử dụng nhiều sẽ lợi bất cập hại. Những HTX kiểu này vô cùng yếu kém nên phải tổ chức lại HTX hoạt động không hiệu quả theo hướng tập trung vào sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, còn các dịch vụ khác chỉ hướng tới phục vụ cho sản xuất thôi.
Tỉnh Nam Định và Hải Dương đang làm tốt việc xử lý các HTX yếu kém. Đây không phải là việc quá khó. Như tỉnh Nam Định, họ thành lập mới một vài HTX hút các hàng chục thành viên của các HTX có quy mô lớn không hiệu quả sang để phân công làm lúa giống hay lúa đặc sản. Các HTX mới này hoạt động có hiệu quả thì được nhân rộng, tự khắc sẽ chia nhỏ các HTX có quy mô lớn thành các HTX có quy mô hợp lý để làm theo cách mới, tăng hiệu quả lên.
Ngoài ra, cách thứ ba là chính quyền, doanh nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình thành lập mới các HTX có sự chọn lọc thành viên, những người có ý thức tốt, có tiền để đóng góp. Tiền người dân bỏ ra thì người ta mới quý, khắt khe trong làm ăn. Trong số các HTX liên kết với Nhà máy mía đường Lam Sơn Thanh Hoá thì có HTX chỉ có 9 thành viên mà người ta tự góp tới 400- 600 triệu đồng/xã viên, làm ăn rất bài bản, chuyên nghiệp. Theo tính toán sẽ có khoảng 6.000 HTX sẽ thành lập trên cơ sở này trong giai đoạn 2016- 2020.
So sánh thu nhập của các hộ gia đình trong và ngoài HTX sẽ thấy các hộ nằm trong HTX có thu nhập bình quân cao hơn từ 1,3 đến 1,5 lần so với các hộ không tham gia HTX, nhưng quan trọng nhất là những người sản xuất trong HTX luôn được bảo đảm yên tâm về mặt tiêu thụ sản phẩm.
Nghị định 98 đặt ra việc khuyến khích liên kết sản xuất trên 5 lĩnh vực trọng tâm của ngành nông nghiệp. Vậy những ngành hàng nào mà HTX nên tập trung sản xuất?
Ông Ma Quang Trung: Trên cơ sở tính toán về số lượng HTX hoạt động hiệu quả trên, Chính phủ khuyến khích các HTX tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như hồ tiêu, cà phê, mía, thuỷ sản… các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD hiện nay, là cơ sở để hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất lớn. Thứ hai là tập trung vào sản phẩm dạng đặc sản của tỉnh, của huyện, của xã thôn như chương trình OCOP.
Tới nay, hầu như tất cả các chính sách cho phát triển nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn Chính phủ đều ban hành hết rồi với các nguồn đầu tư, hỗ trợ đều xác định rõ hết. Các địa phương phải bố trí nguồn cho phát triển HTX, sản xuất nông nghiệp để nâng thu nhập của hộ nông dân lên chứ không nên chỉ tập trung đầu tư cho hạ tầng vì đầu tư cho hạ tầng là việc lâu dài.
Với Bộ NN&PTNT, vào đầu tháng 9 tới, chúng tôi sẽ thực hiện chỉ đạo của của Chính phủ đưa khoảng 40 lao động là thành viên của các HTX trong nước đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản trong các ngành nghề trồng hoa, rau, thủy sản… để học tập kinh nghiệm quản trị, sản xuất của các HTX nước bạn và gia tăng thu nhập đầu tư cho HTX ở trong nước.
Thành Hương (thực hiện)