Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm việc với tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương - TTXVN)

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Hậu Giang thực hiện công tác tam nông theo Nghị quyết Trung ương 7 rất trách nhiệm. Những kết quả mà Hậu Giang đạt được sẽ là kinh nghiệm để Trung ương xem xét, ghi nhận tính hiệu quả của Nghị quyết trong thực tiễn ở từng địa phương. Đồng thời, cũng là cơ sở để Trung ương thực hiện hiệu quả các chính sách trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng cho rằng, thời gian tới, Hậu Giang cần tiếp tục thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và nông dân một cách hiệu quả hơn. Nhất là Hậu Giang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, cũng như làm rõ những kết quả nông dân đạt được và chưa được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tín dụng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân Hậu Giang; đồng thời chủ động tham mưu, tư vấn, vào cuộc với chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả công cuộc phát triển tam nông.

Theo ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh tăng trưởng trung bình gần 30%/năm, chiếm tỷ trọng gần 60% tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn tỉnh. Nguồn vốn cho vay đã tích cực hỗ trợ mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong toàn tỉnh như chuyển đổi vườn tạp cây trồng có hiệu quả; chuyển đổi cây mía sang cây ăn trái; mô hình nuôi dê, trâu ở xã Vĩnh Viễn.

Trong thời gian tới, thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên, cho vay theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tập trung nguồn vốn vay thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ khu vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, cũng như xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh có mức phát triển trung bình khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 10 năm qua, Hậu Giang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp tỉnh, xây dựng một số chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế như cây lúa, chanh không hạt, rau màu, thủy sản.

Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 34,2 triệu đồng/người/năm, tăng 3,18 lần so năm 2008; trong đó thu nhập khu vực nông thôn đạt 32,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,78 lần so năm 2008.

Đến hết năm 2017, tỉnh Hậu Giang có gần 60.000 hộ nông dân sản xuất giỏi, có gần 33.000 mô hình đạt hiệu quả kinh tế được nông dân ứng dụng rộng rãi; hầu hết hộ nông dân có doanh thu từ 70 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng/ha/năm, đưa doanh thu bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác là 90 triệu đồng/ha/năm, với lợi nhuận trên 30%.../.

Duy Ba/TTXVN