PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Kinh tế môi trường trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững" được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, một nền kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Việc chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam là lựa chọn hợp lý, nhưng lựa chọn này cũng phải nhìn nhận rõ những cơ hội và thách thức để định hướng cho phát triển.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm lớn nhất cộng đồng thế giới. Do đó, Việt Nam cũng sẽ đón nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới trong nỗ lực chung nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hướng tới nền kinh tế xanh.

Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (Ảnh: NS)

Để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nền kinh tế xanh, Việt Nam cần phải vượt qua rất nhiều thử thách. Trước hết, về nhận thức, hiểu thế nào là tăng trưởng xanh, xây dựng nền kinh tế xanh để hướng tới phát triển bền vững, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện mục tiêu và chiến lược đã đề ra.

Về cách thức tiến hành, so với nền kinh tế truyền thống kinh tế nâu, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh mà trọng tâm là tăng trưởng xanh, cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay là vấn đề lớn đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng lộ trình phát triển trong thời gian tới, nhất là giai đoạn 2016-2020. Nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội các bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn, giảm nghèo và phục hồi môi trường. Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh để thực hiện tăng trưởng xanh là thách thức không nhỏ nếu không có sự trợ giúp về vốn và công nghệ của cá nước phát triển có công nghệ cao trên thế giới.

Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chính, nhiều vùng nông thộn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn, Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh phải gắn với xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội là thách thức không nhỏ trong lựa chọn chính sách thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của quốc gia giai đoạn 2014-2020 đã ban hành theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2015

Về huy động nguồn vốn thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích lũy quốc gia so với các nước đã phát triển còn thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới nền kinh tế xanh thực hiện tăng trưởng xanh theo như tính toán đầu tư trở lại phục hồi tự nhiên cần 1-3% GDP.

Cũng đề cập đến vấn đề trên, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho hay: Phát triển kinh tế được coi là phương tiện chính yếu để phát triển đất nước theo hướng phát triển bền vững, trong đó, đặc biệt chú trọng đến quá trình triển khai dựa trên cơ sở hệ thống các cơ chế, chính sách nhằm tăng trưởng kinh tế; cải cách, đổi mới và tạo việc làm... Thực tiễn tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua ở Việt Nam cho thấy, nhiều ngành kinh tế đã và đang thâm dụng tài nguyên, sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn, gây ô nhiễm môi trường chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế, như: Ngành khai thác khoáng sản, sản xuất năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt nhuộm,… trong khi đó, ít chú ý đến phát triển các ngành công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học cao. Thực tế này đòi hỏi cần có sự thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng nền kinh tế phát triển chiều rộng sang phát triển chiểu sâu là chính, gắn với đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng khoa học và tỉ trọng TFP cao trong GDP.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn  (Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), phát triển bền vững phải dựa trên ba trụ cột là phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định về an ninh môi trường, trong đó, an ninh môi trường là việc đảm bảo không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia.

Nền kinh tế của chúng ta đang thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, các ngành kinh tế công nghệ cao sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngành kinh tế môi trường như: Công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái sử dụng và tái chế chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng tái tạo, sản xuất hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn môi trường, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ… Mặc dù chúng ta đã có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế thân thiện môi trường, tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận thấp nên vẫn chưa hình thành được những ngành kinh tế đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường hiện nay. 

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường nêu rõ, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên 3 lần so với hiện nay, đến năm 2025 có thể gấp 4 đến 5 lần, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Chính vì vậy, để đạt được mong muốn chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, học tập cách thức tiến hành của các quốc gia đã thực hiện trước để từ đó có lộ trình và bước đi phù hợp, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, từ đó dựa trên thực tiễn đang phát triển để có những chính sách phù hợp./.

NS