Hướng đến mục tiêu toàn dân được sử dụng thực phẩm an toàn 

An toàn thực phẩm (ATTP) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội. An toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển giống nòi; kinh tế, văn hoá, xã hội và giao lưu thương mại. Chính vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ ở nước ta mà được cộng đồng quốc tế coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu bảo đảm an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 7.658 cơ sở thực phẩm, trong đó cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm 555, cơ sở kinh doanh tiêu dùng 3.506 và cơ sở dịch vụ ăn uống 3.597. Năm 2016, qua kiểm tra đã ghi nhận 6.254 lượt cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 73,75 %; 2.226 lượt cơ sở có vi phạm các quy định về VSATTP chiếm tỷ lệ 26,25%. Các nội dung vi phạm chủ yếu đó là: vệ sinh (8,72%); trang thiết bị dụng cụ (9,26); về con người (14,85%) ; về công bố tiêu chuẩn sản phẩm (4,08%); ghi nhãn thực phẩm (14,66%); quảng cáo thực phẩm (0,39%) và vi phạm khác (15,65%). Năm 2016, trong lúc cả nước xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.139 người, trong đó 12 trường hợp tử vong, thì tỉnh Quảng Trị chỉ xảy ra 2 vụ làm 78 người ngộ độc.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề rất lớn, gây bức xúc, lo lắng cho toàn xã hội; là nguy cơ nghiêm trọng hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn sinh mạng của từng người dân; đến sự phát triển giống nòi; kinh tế, văn hoá, xã hội và giao lưu thương mại. Điều này, có nhiều nguyên nhân, song theo chúng tôi tựu trung đó là: Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền nhất là cấp ủy, chính quyền cấp xã về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đầy đủ; có lúc còn chủ quan nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt; Hệ thống văn bản liên quan đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tuy đã ban hành kịp thời, khá đầy đủ nhưng nội dung còn chung chung; khó quy trách nhiệm đầu mối nên khó kiểm tra, kiểm soát và phân định trách nhiệm. Từ nhiều năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm hai cấp (huyện, xã) đều được thành lập; số lượng đông, nhiều thành phần tham gia nhưng chưa mạnh; cơ chế chịu trách nhiệm chưa cụ thể, nên vẫn còn tình trạng “khoán trắng” cho ngành y tế. Việc hướng dẫn kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm nhiều vùng nông thôn còn bất cập. Trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa cao; một số cơ sở chỉ vì lợi nhuận nên cố tình kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong lúc đó, công tác truyền thông về lĩnh vực này, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đủ mạnh nên việc chuyển đổi nhận thức và hành động cả người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm sạch còn mức độ. Ngoài ra, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được thường xuyên. Chế tài sau kiểm tra, thanh tra chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017” nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài: toàn dân phải tham gia thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm và được sử dụng thực phẩm an toàn. Để thực hiện mục tiêu trên, thiết nghĩ cần quán triệt các nhiệm vụ sau đây:

- Kịp thờitriển khai Công văn số 401- CV/TU, ngày 07/4/2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm theo tinh thần Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; gắn với tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TTg, ngày 9/5/2016, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; gắn với việc tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về nội dung bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân mà trọng tâm là công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng gắn với công tác xử lý nghiêm những hành vi sản xuất, kinh doanh các thực phẩm, hàng tiêu dùng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; xây dựng Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm đủ mạnh, đủ lực, đủ quyền; phân định rõ chức năng, trách nhiệm của các thành viên để hướng dẫn chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người và cho toàn xã hội.Kiện toàn đội ngũ thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các cấp trên địa bàn tỉnh.

          - Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là những nơi sản xuất tập trung; các chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

                                                                               NGUYỄN TRÍ ÁNH

                                                          (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị)

 

 

610 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 936
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 936
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76837892