Hương đất Triệu Phong 

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Phong (Quảng Trị) lần thứ 19(2015-2020), kinh tế của huyện tiếp tục phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 9,3%, riêng năm 2018 ước đạt hơn 12%.

Thu nhập bình quân đầu người dân năm 2017 đạt 34,6 triệu đồng, năm 2018 ước đạt trên 40 triệu đồng… Kết quả này được kết tinh từ hương đất của Triệu Phong cũng như sự sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành cùng quá trình đồng lòng đồng sức của người dân.  

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Gia đình ông Lê Cảnh Tưởng ở HTX Bích La, xã Triệu Đông làm 0,5ha lúa chất lượng cao. Vụ vừa rồi ông thu hoạch lúa cho năng suất trung bình 55 tạ/ha. Ở HTX này có đến hơn 90% diện tích làm lúa chất lượng cao. So với làm lúa bình thường thì lúa chất lượng cao có lãi hơn nhiều. Huyện Triệu Phong là ngọn cờ đầu của Quảng Trị về năng suất, diện tích lúa chất lượng cao.

14-46-56_huong_dt_4
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện Triệu Phong kiểm tra cánh đồng lúa canh tác tự nhiên của Triệu Phong

Ông Lê Cảnh Biên, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong, cho biết ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, Triệu Phong sớm ban hành quy chế làm việc và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015- 2020. Đồng thời cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy cơ sở, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội…

Đặc biệt trong lĩnh vực tam nông, Huyện ủy Triệu Phong đã ban hành nhiều Nghị quyết, kết luận chuyên đề như: “Xây dựng cánh đồng lớn và phát triển trang trại, gia trại giai đoạn 2016- 2020”; “Xây dựng NTM huyện Triệu Phong giai đoạn 2016-2020”, “Quy hoạch và tổ chức sản xuất một số giống cây trồng chủ yếu giai đoạn 2016-2020”, “Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020” và “Một số nhiệm vụ, giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi”… tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển rực rỡ.

Phân tích những kết quả đạt được, bà Nguyễn Triều Thương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, cho biết thời gian qua huyện quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dần từ số lượng sang chất lượng, gắn sản xuất với tiêu thụ và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình SXNN hiệu quả như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ, xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại.

14-46-56_huong_dt_1
Bà Nguyễn Triều Thương thăm gia đình nông dân xã Triệu Vân

Đến nay toàn huyện đã xây dựng hơn 1.000 ha diện tích cánh đồng lớn, 30 ha lúa canh tác theo phương pháp tự nhiên, 2 mô hình sản xuất công nghệ cao trồng măng tây, trồng 1ha rau quả trái vụ trong nhà lưới tại xã Triệu Trạch, trồng 1ha rau sạch tại xã Triệu Đông, trồng 22 ha dứa nguyên liệu tại xã Triệu Ái và Triệu Thượng. Phát triển 20 ha ném, kiệu ở vùng cát, 2 ha gừng, nghệ ở vùng gò đồi… Hỗ trợ xây dựng mới 5 trang trại với diện tích hơn 24 ha, 12 gia trại với diện tích 6,5 ha. Thành lập 2 mô hình HTX kiểu mới là HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên và HTX Kinh doanh chăn nuôi gà vùng gò đồi. Tích cực triển khai đề án tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng biển, xây dựng và phát triển 64 mô hình kinh tế hộ, nhóm hộ, mô hình nuôi tôm công nghệ cao... Duy trì và phát triển gần 1.100 ha diện tích mô hình có thu nhập cao.

Để không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, huyện kết nối, xây dựng các thương hiệu nông sản như “Gạo sạch Triệu Phong”, “Bún sạch Vạn Linh”, “Đậu đen xanh lòng”… và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường tại tỉnh Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành trong nước. Gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp trong nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo chuỗi giá trị.  

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Bà Nguyễn Triều Thương chỉ rõ, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 19, từ nay đến năm 2020, huyện Triệu Phong cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Huyện ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phát triển cánh đồng lớn, gia trại, trang trại.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để vừa bảo đảm ATVSTP vừa bảo vệ sức khỏe của người dân và môi trường; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, chủ lực của địa phương. Tiếp tục phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ, liên kết HTX, có chính sách khuyến khích kịp thời, phù hợp hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn…

14-46-56_huong_dt_3
Mô hình trồng đậu xanh tại xã vùng cát cải thiện sinh kế cho người dân Triệu Phong

Huyện Triệu Phong hiện có 6 xã đạt chuẩn NTM, đạt bình quân là 15,2 tiêu chí/xã. Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, huyện ưu tiên đầu tư cho các xã đã tiệm cận để sớm đạt chuẩn. Ngoài ra cần tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện tốt chính quyền điện tử tận cơ sở, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, gắn với cải thiện rõ nét môi trường đầu tư. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước đưa Cụm công nghiệp đông Ái Tử vào hoạt động. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các ngành nghề mới cũng như tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư vào địa phương. Phối hợp đồng bộ với các sở, ngành cấp tỉnh xúc tiến, kêu gọi, triển khai các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam.  

Dư địa phát triển còn rất lớn

Bà Nguyễn Triều Thương phân tích dư địa tự nhiên cho thấy huyện Triệu Phong còn nhiều điều kiện để phát triển ngày càng bền vững và mạnh mẽ hơn nữa về các mặt. Hệ thống sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định hàng năm bồi đắp phù sa cho 12 xã vùng đồng bằng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông sản sạch, nông sản hữu cơ, chăn nuôi hộ gia đình và các loại cây công nghiệp ngắn ngày cũng như triển khai các mô hình nông nghiệp hiện đại.

Cùng với đó có hơn 50% diện tích của huyện chủ yếu nằm ở vùng gò đồi là điều kiện tốt để phát triển trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC kết hợp chăn nuôi gia súc. Vùng cồn cát ven biển phục vụ trồng rừng phòng hộ và trồng một số loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày như rau, khoai, lạc, đỗ, vừng.

Ngoài ra Triệu Phong có chiều dài bờ biển 18 km, có cảng Cửa Việt, bãi tắm Triệu Lăng và đặc biệt là có trục đường ven biển mở ra những cơ hội phát triển rất lớn về du lịch, kinh tế biển và các ngành dịch vụ khác.Vùng biển Triệu Phong cũng như Quảng Trị là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản quý như các loại tôm, cua, cá hồng, cá mú, cá thu, cá nục, cá ngừ, mực ống, mực nang... Với diện tích mặt nước có khả năng sử dụng nuôi trồng thủy, hải sản lên đến gần 6.000 ha nên tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương là rất lớn.

14-46-56_huong_dt_2
Chùa Ái Tử, điểm du lịch hấp dẫn của Triệu Phong

Bà Nguyễn Triều Thương khẳng định trên cơ sở tiềm năng và dư địa sẵn có ấy, Đảng bộ, chính quyền cùng bà con nhân dân huyện Triệu Phong đoàn kết, cùng nhau phát huy tính sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất để không ngừng thúc đẩy kinh tế, xã hội… của huyện ngày càng phát triển bền vững, người dân có được cuộc sống hạnh phúc, chất lượng sống ngày càng cao, xứng đáng là huyện trọng điểm của tỉnh Quảng Trị.

LÂM QUANG HUY
589 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2833
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 2834
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76258161