Hướng dẫn điều tra cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm 

(ĐCSVN) – Sáng 6/6, Hội nghị toàn quốc hướng dẫn điều tra cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm do Văn phòng điều phối Nông thôn mới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đã diễn ra tại TP.Hội An (Quảng Nam).

Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng, ban hành kèm theo Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP, do Thứ trưởng Trần Thanh Nam ký ban hành ngày 5/6/2017.

Theo đó, Đề án đã đặt ra mục tiêu tổng quát là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thực hiện có hiệu quả tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Đồng thời đặt ra mục tiêu tổng quát: Tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Nội dung của “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” được thực hiện theo chu trình OCOP gồm 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm”, trong đó quan trọng nhất là bước thi đánh giá chất lượng sản phẩm.

Thông tin tại Hội nghị, PGS.TS Trần Văn Ơn, thành viên Ban soạn thảo Chương trình cho biết: Trên cơ sở của Chu trình OCOP, các địa phương tham gia sẽ phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 6 nhóm gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm- nội thất- trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Các nhóm sản phẩm trên có hệ thống quản lý chất lượng, thống kê, kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được tổ chức xúc tiến thương mại bài bản và có đội ngũ quản lý được đào tạo căn bản.

Để triển khai Đề án đảm bảo yêu cầu thống nhất trong cả nước, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tham gia phải làm tốt công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho nông dân và cộng đồng; xây dựng tổ chức bộ máy quản lý đảm bảo đúng quy trình 4 cấp; phải xây dựng hệ thống hỗ trợ như hệ thống tư vấn, hệ thống đối tác, hệ thống sản xuất và các chính sách đảm bảo thực hiện hiệu quả như: Chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản phẩm, chính sách đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại…

Theo đề án, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm sẽ được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 tới đây. Đồng thời kế hoạch triển khai thực hiện sau khi được Thủ tướng đồng ý, ngoài tổ chức hội nghị quán triệt, sẽ lựa chọn 9 tỉnh, thành đại diện cho các vùng kinh tế để chỉ đạo điểm, gồm: Hà Giang (miền núi phía Bắc), Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình (Đồng bằng sông Hồng), Thanh Hoá, Quảng Nam (Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ), Lâm Đồng (Tây Nguyên), Cần Thơ, Bến Tre (Đồng bằng sông Cửu Long).

Quang cảnh tại Hội nghị

 

Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung, yêu cầu mà Đề án nêu ra. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng cho rằng, mô hình “mỗi xã một sản phẩm” được tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên triển khai vào năm 2012. Qua thực hiện, đã được Bộ NN&PTNT đánh giá là có hiệu quả. Từ mô hình này, nhiều địa phương đã áp dụng nhân rộng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có đặc thù riêng. Mặc dù vậy, kết quả chung lớn nhất mà mô hình này mang lại tại các địa phương đã triển khai là phát huy được tối đa lợi thế của mỗi địa phương để sản xuất ra những sản phẩm riêng, đặc trưng của mình; đồng thời đã liên kết giữa hộ sản xuất với nhóm hộ, doanh nghiệp cùng mục tiêu đưa ngành hàng làm ra ngày càng hiệu quả, được thị trường chấp nhận. Từ đó đời sống của nông dân tăng lên, nhận thức về xây dựng sản phẩm hàng hoá trong nông nghiệp của nông dân và xã hội có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, mỗi địa phương khi tham gia Đề án lần này, cần được hướng dẫn điều tra cơ sở dữ liệu để bổ sung, phục vụ việc triển khai sau này thật sự có chất lượng…

Theo nhiều đại biểu, Đề án nếu được Chính phủ phê duyệt, đồng ý cho phép triển khai trên toàn quốc sẽ là điều kiện, cơ sở tốt để các địa phương trong cả nước thực hiện, xây dựng nên những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng miền, từ đó nâng cao thương hiệu phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát và hướng dẫn các địa phương tập huấn, kịp thời cập nhật các dữ liệu cần thiết để Đề án được hoàn chỉnh.

Ngoài ra, dịp này nhiều đại biểu cũng phân tích, nêu lên những thuận lợi và những vướng mắc cần tháo gỡ để điều tra, cập nhật các dữ liệu liên quan của Đề án. Từ đó giúp cho việc triển khai sẽ thuận lợi hơn sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thông qua./.

 

Tin, ảnh: Đình Tăng

791 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 618
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 618
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88312608