Từ vài triệu đồng/ha rừng
Ông Nguyễn Thể, Giám đốc HTX Phú Hưng xúc động kể lại câu chuyện quyết tâm tìm ra con đường chuyển mình thành công ngoài mong đợi. Năm 2015, HTX Phú Hưng chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 và nhanh chóng thay đổi cách hoạt động để thích ứng với mô hình mới. Với vốn liếng 160 ha rừng trồng của thành viên HTX cũ để lại nhưng rừng còi, thiếu chăm sóc nên mỗi ha rừng lúc ấy chỉ có giá trị vài triệu đồng. Nhìn vào thực trạng ấy của HTX, ông Nguyễn Thể nát đầu suy nghĩ phải tìm cách thay đổi đời sống cho xã viên từ ngần ấy vốn rừng. Không chịu khoanh tay đứng nhìn, nghe được thông tin các tỉnh bạn trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, ông Thể mang khăn gói đi tìm hiểu.
|
Khai thác rừng FSC ở HTX Phú Hưng |
Gặp được ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục Trưởng Chi Lâm nghiệp Quảng Trị lúc đó, ông Thể mừng như có người cho vàng. Nghe ông Thể thật thà bày tỏ nguyện vọng muốn làm rừng FSC để thay đổi mô hình HTX cho xã viên nhờ vì bấy lâu đời sống xã viên quá khó khăn, ông Doanh không chần chừ, đồng ý giúp ngay. Ông Doanh mời tổ chức WWF Việt Nam và đích thân ông vào HTX Phú Hưng tích cực hỗ trợ bà con áp dụng trồng rừng và bảo vệ rừng theo tiêu chuẩn FSC của Hiệp hội Quản lý rừng quốc tế.
Trước đây, diện tích rừng trên là tài sản của mô hình kinh tế hợp tác, nhưng các thành viên HTX trồng rừng theo phương pháp truyền thống, chưa quen với cách trồng rừng khoa học. Nay chuyển qua làm rừng FSC thì việc trồng rừng cũng thay đổi từ cách đào hố, đặt cây, bón phân, bảo vệ, theo dõi, đo đếm quá trình phát triển của cây cho đến ngày khai thác, vận chuyển gỗ…
Ban đầu, HTX Phú Hưng đã thành lập nhóm chứng chỉ rừng có 8 hộ tham gia với diện tích rừng FSC là 87 ha. Đến ngày khai thác lần đầu được hơn 800 tấn, bán với giá 1,475 triệu đồng/tấn, cao hơn so với giá bán thị trường 1,2 triệu đồng/tấn. Nhờ trồng rừng FSC mà sản phẩm gỗ đã được HTX bán ra nhiều tỉnh thành và nước ngoài, mở hướng đột phá trên con đường phát triển.
Sau vài năm tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng, bà con xã viên thấy được lợi ích to lớn, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có nhiều lợi ích về xã hội và môi trường. Vậy là có thêm 4 hộ tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng. Đến nay, diện tích rừng FSC ở Phú Hưng đạt đến 140 ha/ 175 ha rừng keo trong toàn bộ tổng diện tích 275 ha rừng HTX đang quản lý.
Đến 220 triệu đồng/ha
Nhờ có chứng chỉ rừng FSC, hiệu quả kinh doanh và thu nhập của xã viên HTX Phú Hưng đã tăng lên. Giá bán gỗ xẻ có chứng chỉ cao hơn giá thị trường từ 15 đến 20%. Hàng năm, HTX khai thác khoảng 20 ha rừng, trữ lượng gỗ trung bình đạt 150 tấn/ha,bán với giá gần 1,5 triệu đồng/tấn, cao hơn rừng bình thường rất nhiều. Số rừng vừa khai thác lập tức được các thành viên trồng lại rừng mới nên diện tích rừng FSC của Phú Hưng có chiều sâu, bền vững liên tục...
Do chăm sóc tốt nên trữ lượng rừng ở đây có thửa đạt mức kỷ lục 180 tấn/ha, tăng gấp đôi so với trữ lượng trồng rừng FSC ở các địa phương khác. Với doanh thu được bảo đảm từ rừng, nguồn vốn tự có của HTX cũng lớn dần lên. HTX đã có nguồn tiền mặt cung ứng kịp thời cho các thành viên vay để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống, cũng như đầu tư sản xuất. Ông Thể khoe hầu hết các thành viên HTX đều đầu tư mua xe ôtô để vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Có 100% cán bộ và thành viên HTX đều được tham gia đóng bảo hiểm, bảo đảm lợi ích cá nhân và xã hội.
Các xã viên trồng rừng được tiếp cận với những sự hỗ trợ kỹ thuật mới, nên dần dần các thói quen cũ đã được thay đổi, năng suất lao động, thu nhập ngày càng cao hơn, cuộc sống của xã viên luôn ổn định. Quá trình chăm sóc rừng các thành viên đều được HTX chia lãi cổ tức theo mức đóng góp và trả công chăm sóc, bảo vệ rừng hàng năm đầy đủ nên bà con yên tâm sản xuất, không còn lo lắng về khoản tài chính do kéo dài thời gian khai thác làm tăng chi phí đầu tư. Doanh thu của HTX trung bình các năm trên 8 tỉ đồng với các dịch vụ, riêng thu từ rừng FSC đến 6 tỉ đồng. HTX Phú Hưng có kế hoạch đến năm 2020 sẽ hoàn thành chứng chỉ FSC cho thêm 30 ha rừng để không ngừng tăng thu nhập cho xã viên.
Đặc biệt, nhờ nguồn vốn tự có lớn nên HTX Phú Hưng đã có nguồn tiền mặt cung ứng kịp thời cho các thành viên HTX vay để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống cũng như đầu tư sản xuất. Ngoài việc vay mua xe ô tô vận chuyển hàng hóa, phần lớn các hộ vay để xây dựng gia trại chăn nuôi, trồng rừng và một số ngành nghề khác với mức cho vay tối đa lên đến 200 triệu đồng/hộ thành viên.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng đánh giá HTX kiểu mới là phải giúp được kinh tế hộ phát triển làm giàu, điều này Phú Hưng làm rất tốt. HTX Phú Hưng đã liên kết tốt với các doanh nghiệp tham gia vào các chương trình trồng rừng FSC sản xuất theo phương thức hiện đại, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, tăng đầu tư, tích lũy cho HTX. |
Ông Cáp Kim Thánh, Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Trị cho biết toàn tỉnh có gần gần 300 HTX, trong đó có 279 HTX nông nghiệp. HTX Phú Hưng là số 1 của Quảng Trị. Phát triển rừng FSC là hướng bền vững mà các HTX khác có vốn rừng nên làm theo Phú Hưng. Hầu hết các HTX tại Quảng Trị đã thực hiện chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, phát huy được vai trò tự chủ trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh và dịch vụ, tạo nên những chuyển biến tích cực, có 10 đến 15% HTX làm ăn giỏi và khá. Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ của HTX trên địa bàn Quảng Trị còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.Chất lượng dịch vụ ở nhiều HTX chưa đáp ứng được yêu cầu xã viên. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. |
LÂM QUANG HUY