Với đặc điểm địa lý có chung đường biên giới, di cư lao động qua biên giới là một trong những ưu tiên lớn trong hợp tác giữa các nước CLMTV, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa 5 nước đã thúc đẩy người dân tại các địa phương dọc biên giới không ngừng di cư sang quốc gia lân cận để tìm kiếm việc làm và đa phần trong số họ là lao động phổ thông.
Trước thực tế đó, nhằm quản lý lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư xuyên biên giới giữa các nước CLMTV, năm 2015, Chính phủ Thái Lan đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng và hội nghị quan chức cao cấp các nước CLMTV về hợp tác lao động lần thứ nhất vào tháng 9/2015.
Kể từ đó, hoạt động này được tổ chức 2 năm/1 lần, mở ra cơ chế hợp tác mới giữa 5 nước khu vực Tiểu vùng sông Mekong, góp phần vào việc tăng cường hợp tác về kinh tế, chính trị-xã hội, cùng hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường việc làm bền vững và di cư an toàn cho người dân, bảo vệ tốt hơn cho quyền và lợi ích của người lao động.
Tiếp nối thành công đó, năm 2017, Bộ LĐTB&XH Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng và hội nghị quan chức cao cấp về lao động CLMTV lần thứ 2 với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, trong bối cảnh lao động di cư giữa các nước CLMTV có xu hướng gia tăng, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và tạo cơ hội cho người lao động được trang bị kiến thức, các kỹ năng cần thiết trong quá trình làm việc nhằm giúp người lao động có việc làm ổn định, thu nhập tốt là một trong những vấn đề ưu tiên của các nước CLMTV hiện nay.
Theo đó, Hội nghị lần này sẽ tập trung trao đổi, cập nhật các chính sách pháp luật, kinh nghiệm đối với lao động đến và đi, tình hình di cư và hợp tác lao động giữa các nước CLMTV. Đồng thời, đánh giá một số kết quả đạt được trong lĩnh vực dạy nghề, phòng chống mua bán người giữa 5 nước CLMTV và đề xuất những hoạt động ưu tiên cần thúc đẩy nhằm phòng chống lao động bất hợp pháp, hỗ trợ tốt cho người lao động di cư qua biên giới trong thời gian tới.
Được biết, Hội nghị sẽ thảo luận và thống nhất bản dự thảo Tuyên bố chung về di cư lao động an toàn trình Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động các nước CLMTV lần thứ 2 thông qua vào ngày mai (2/8).
Thế Phong