Hợp tác nông, lâm nghiệp luôn là nội dung then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 

(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hợp tác nông, lâm nghiệp vẫn luôn là nội dung then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các nước thành viên ASEAN cần chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá.

 

Đó là ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng nông, lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40, diễn ra sáng 11/10, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên khai mạc

Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40 (Ảnh: BT)

Hội nghị AMAF lần thứ 40 lần này có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần thứ ba Việt Nam giữ chức Chủ tịch AMAF, Chủ tịch AMAF+3 (3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã 2 lần nhận chức Chủ tịch AMAF và đăng cai tổ chức Hội nghị AMAF tại Việt Nam vào các năm 1998 và 2008.

Với vai trò là Chủ tịch AMAF lần thứ 40 và Chủ tịch AMAF+3 lần thứ 18, trong nhiệm kỳ này, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Ban Thư ký ASEAN để điều phối toàn bộ các hoạt động hợp tác của AMAF.

Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40 sẽ thông qua các chiến lược, chính sách và hướng dẫn trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp của khu vực, đề xuất các sáng kiến hợp tác với các nước đối tác và tổ chức quốc tế nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025 và Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Theo chương trình nghị sự, tại Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40, các Bộ trưởng sẽ xem xét và thông qua 23 Kế hoạch hành động, hợp tác và các văn kiện, tài liệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các quốc gia Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung. Điều này đòi hỏi các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp đổi mới khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. 

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, thực tế đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế giúp các nước vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Vì vậy, hợp tác nông, lâm nghiệp vẫn luôn là nội dung then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. 

Tuy nhiên, nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu nhiều rủi ro. Trong đó, ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các ngành kinh tế khác trong việc sử dụng nguồn lực, nhất là lao động, đất đai và nguồn nước. Nền nông nghiệp của khu vực đứng trước nhiều thách thức như: Suy giảm năng suất lao động nông nghiệp và nhịp độ tăng trưởng, chênh lệch đời sống giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới và mọi mặt của đời sống xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị các quốc gia thành viên cần đưa ra biện pháp thiết thực tận dụng các cơ hội này, thúc đẩy nền nông - lâm - ngư nghiệp của khu vực ASEAN tiến kịp với các quốc gia phát triển. Đặc biệt, các nước thành viên ASEAN cần chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá.

Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối và quản lý đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi giá trị.

Phó Thủ tướng tin tưởng cùng với những nỗ lực chung của hợp tác khu vực và của từng nước thành viên, Hội nghị Bộ trưởng nông. lâm nghiệp ASEAN sẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Tầm nhìn và Kế hoạch hành động chiến lược về Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thực phẩm và nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016-2025. Đồng thời, là thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam rất coi trọng các tiến trình hợp tác khu vực và sẽ tiếp tục đầu tư thích đáng về nguồn lực, nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, vì lợi ích thiết thực của người dân ASEAN./.

BT

560 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 732
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 732
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190852