Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8, nhưng trạm thu phí này đã gây sự chú ý của dư luận. Những người tham gia giao thông đã phản đối với lý do doanh nghiệp thi công đoạn đường tránh nhưng trạm thu phí lại án ngữ và tính phí cả con đường đã có từ trước, doanh nghiệp hoàn toàn không tham gia xây dựng và mức phí quá cao nếu so với mặt bằng giá phí đường bộ của các cung đường khác.
Câu chuyện người tham gia giao thông phản ứng với các trạm thu phí đã bắt đầu từ cách đây vài năm, ở nhiều tỉnh khác nhau và lý do cũng không có gì khác nhiều so với trường hợp Cai Lậy. Cách phản ứng của các chủ phương tiện cũng giống nhau: lái đoàn xe “diễu hành” bày tỏ sự phản đối, dùng thật nhiều tiền mệnh giá thấp nhất có thể, cho tiền vào chai nhựa...
Hậu quả là những đoạn đường này, mặc dù vừa được sửa sang nhưng liên tục ùn ứ. Điều đáng nói là số đông người dân tham gia giao thông, chấp nhận sự ùn tắc này và hầu hết bày tỏ sự cảm thông, đồng tình với những lái xe.
Hợp đồng BOT đối với các công trình đường bộ là dạng hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao. Đây là một trong những hình thức nhằm xã hội hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh còn nhiều hạng mục khác đáng ưu tiên hơn.
Trong quá trình vận hành các hợp đồng BOT, những người tham gia giao thông mới là người trả phí và họ là khách hàng thực sự của doanh nghiệp. Nhưng với cách làm hiện nay, người dân, những khách hàng và ấy lại chưa được thực sự tham gia, được lấy ý kiến. Chính vì thế người dân chưa đồng thuận với cách làm của doanh nghiệp cũng là điều có thể hiểu được. Cách phản ứng của các lái xe, gây ùn tắc ở các trạm thu phí, có thể nói là tiêu cực, tuy nhiên, xét một cách công bằng, trong những thời điểm đó, họ cũng không có giải pháp nào tốt hơn.
Cũng là chuyện ùn tắc, nhưng trong một trường hợp khác, người dân lại rất quan tâm đến những giải pháp nhằm xử lý triệt để vấn đề. Đó là tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đông đảo người dân, các chuyên gia và cả một số nhà quản lý đều tích cực tham gia ý kiến trong suốt một thời gian dài. Câu chuyện còn được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội, những người đại diện cao nhất cho ý chí của nhân dân.
Cuối cùng, cho đến khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận chỉ đạo thuê tư vấn nước ngoài khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam, dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf tại Tân Sơn Nhất, rà soát các vấn đề liên quan đến đầu tư, khai thác quản lý sân golf này, thì đông đảo người dân đều bày tỏ sự đồng tính hoan nghênh.
Chuyện sân bay Tân Sơn Nhất rất đáng để các nhà quản lý các trạm thu phí suy ngẫm. Với những quyết sách hợp lòng dân, chẳng những ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết mà bất cứ vấn đề nan giải nào cũng sẽ được khai thông.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Trước những vấn đề quan trọng, nếu nhà hoạch định chính sách lắng nghe người dân, tham vấn ý kiến người dân một cách thực sự, chắc chắn mọi chuyện sẽ rất khác. Khi con đường vào lòng dân đã mở sẽ chẳng còn bất cứ ùn tắc nào cho chính sách...
Quang Lê