Hơn 95% số lao động trở lại làm việc sau Tết 

(Chinhphu.vn) – Tính đến ngày 30/1, hơn 95% người lao động đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường.
Hơn 95% người lao động đã quay lại làm việc sau Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Hơn 95% người lao động đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường.

Ngày 1/2, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam thông tin về tình hình quan hệ lao động và kết quả tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chăm lo cho hơn 8,4 triệu lượt người lao động

Theo đó, nhằm kịp thời chia sẻ và gắn kết đoàn viên, người lao động với gia đình, với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai 10 hoạt động chính, sử dụng nguồn tài chính công đoàn cấp trên cơ sở để tổ chức chăm lo cho khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (bằng tiền mặt).

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã chỉ đạo tổ chức 22 Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2023" tại 22 tỉnh, thành phố có đông người lao động, nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số, ở khu vực trung du, miền núi, biên giới.

Tại mỗi Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2023", tổ chức từ 40-120 gian hàng để giới thiệu, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa với giá ưu đãi từ 15% đến 70%, gian hàng 0 đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui xuân; tư vấn, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí; tư vấn pháp luật; tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn… 

Tổ chức Công đoàn đã tặng phiếu mua hàng cho 2.000-2.500 người lao động, với giá trị 300.000 đồng/phiếu. Trong dịp này, khoảng 250.000 lượt người lao động đã tới tham quan, mua hàng hóa và thụ hưởng các ưu đãi từ Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2023".

Đặc biệt, trước tình hình nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc làm diễn ra thời gian qua, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết đến, Xuân về, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 với mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với đoàn viên công đoàn và từ 700.000 đồng đến 2,1 triệu đồng đối với người lao động không là đoàn viên công đoàn.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh, đây là món quà Tết hết sức ý nghĩa được tổ chức Công đoàn dành tặng cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, góp phần thiết thực, đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp chăm lo tốt hơn đối với người lao động, giúp người lao động vượt qua khó khăn, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023.

Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 đã có hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các họat động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 5.185 tỷ đồng. 

Trong đó đã hỗ trợ quà và tiền mặt cho hơn 6,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền gần 4.747 tỷ đồng; hỗ trợ 124.691 vé tàu/xe/máy bay cho đoàn viên, người lao động với số tiền là hơn 160 tỷ đồng; bố trí 2.351 chuyến xe để đưa 150.083 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết với số tiền gần 49 tỷ đồng; tổ chức trao tặng 785 căn nhà "Mái ấm Công đoàn" với tổng số tiền gần 23 tỷ đồng; các hình thức hỗ trợ khác tới hơn 1,9 triệu lượt người với tổng số tiền trên 206 tỷ đồng.

Theo số liệu chưa đầy đủ, các cấp công đoàn tạm tính chi từ nguồn tài chính công đoàn 2.421 tỷ đồng; kêu gọi xã hội hóa ủng hộ nguồn kinh phí chăm lo cho đoàn viên, người lao động 2.764 tỷ đồng.

Theo ông Phan Văn Anh, kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn chuẩn bị chu đáo, kỹ càng với các biện pháp, hình thức, phân cấp nguồn lực phù hợp; chủ đề, phương châm, đối tượng chăm lo vừa bao quát, vừa cụ thể và phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh, thu nhập, việc làm của doanh nghiệp, người lao động, nguồn lực của tổ chức công đoàn.

Quan hệ lao động hài hòa hơn

Báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết, Tổng LĐLĐ cho biết, tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 8,25 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2021 (7,78 triệu đồng/tháng).

Cụ thể: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 9,52 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2021 (9,13 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp dân doanh là 8,02 triệu đồng/tháng, tăng 8% so với năm 2021 (7,44 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,47 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2021 (8,21 triệu đồng/tháng).

Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân bằng gần 1 tháng lương (6,86 triệu đồng/người), tăng 11% so với thưởng dịp Tết Âm lịch năm 2022 (6,18 triệu đồng/người). Trong đó, mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 là 1,004 tỷ đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở TP. Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Phan Văn Anh cho biết, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động của người sử dụng lao động nên tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2023 giảm so với Tết năm 2022. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023 (tính từ 1/12/2022 đến hết ngày 29/1/2023) cả nước xảy ra 18 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 06 tỉnh, thành phố, giảm 33 cuộc so với dịp Tết năm 2022 (xảy ra 51 cuộc).

Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đẫn đến tranh chấp, ngừng việc là do doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động không đồng tình với mức thưởng tết, đề nghị  bảo đảm chất lượng bữa ăn ca, thái độ của quản lý đối với người lao động không phù hợp.

Theo ông Phan Văn Anh, khi tranh chấp, ngừng việc tập thể diễn ra, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp cùng với các cơ quan chức năng hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng, tìm biện pháp giải quyết. Với sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng, trên tinh thần chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, nhiều kiến nghị của người lao động đã được người sử dụng lao động thực hiện, toàn bộ người lao động đã trở lại làm việc bình thường.

Sau 3 năm chịu tác động của dịch COVID-19 không thể về quê đón Tết, cùng với tình hình 1 bộ phận người lao động thiếu, mất việc làm nên hầu hết người lao động đã về quê đón Tết. Số lượng doanh nghiệp sản xuất và người lao động làm việc trong thời gian Tết rất ít (trừ ngành du lịch, dịch vụ, vận tải).

Sau Tết, tính đến ngày 30/1, hơn 95% người lao động đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường.

Thu Cúc

 
162 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1009
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1009
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87210267