Ngày 29/12, tại xã Tân Hợp, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã tổ chức lễ động thổ gói thầu số 11 "Xây lắp trạm và mở rộng ngăn lộ Trạm biến áp 220 kV Đông Hà", thuộc Dự án "Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo".
Theo đó, dự án xây dựng mới một trạm biến áp với quy mô hai máy biến áp; trong đó, năm 2020 sẽ lắp đặt trước một máy biến áp 220 kV, đến năm 2021 lắp đặt thêm một máy biến áp 220 kV; đồng thời mở rộng hai ngăn xuất tuyến 220 kV, xây dựng đường dây 220 kV mạch kép Đông Hà – Lao Bảo.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 876 tỷ đồng, do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư.
Đây là dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhằm đảm bảo truyền tải công suất điện của các nhà máy điện gió ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị, lên hệ thống điện quốc gia.
Vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị có tiềm năng điện gió rất lớn, khi tốc độ gió bình quân đạt từ 6 - 8m/s.
Đến cuối năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã có trên 70 dự án điện gió đã đi vào hoạt động, đang xây dựng, nghiên cứu và khảo sát.
Khó khăn nhất trong việc phát triển điện gió ở vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị là đường dây truyền tải điện chưa đáp ứng được công suất, mà các nhà máy điện gió đang đầu tư xây dựng, với tổng công suất dự kiến trên 3.600 MW.
Việc thu gom, truyền tải điện từ Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa về thành phố Đông Hà, hiện nay chỉ có 1 đường dây 110 kV truyền tải được công suất 130 MW.
Đến năm 2021, dự án "Xây lắp trạm và mở rộng ngăn lộ Trạm biến áp 220 kV Đông Hà" thuộc Dự án "Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo" hoàn thành sẽ giúp giải tỏa thêm khoảng 1.000 - 1.200 MW.
Trong khi đó, còn khoảng 2.500 MW chưa có đường dây truyền tải để giải tỏa công suất phát điện cho các nhà máy điện gió.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng năng lượng điện gió ở vùng miền núi phía Tây trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Chính phủ đầu tư xây dựng thêm Trạm biến áp 500 kV./.
Nguyên Lý/TTXVN