Ảnh: travinh.gov.vn
Mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm của tỉnh là đến năm 2020 góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 40.000 tỷ đồng. Cụ thể, ngành chế biến thủy hải sản giải quyết việc làm khoảng 1.700 lao động, giá trị sản xuất đạt hơn 554 tỷ đồng. Chế biến thịt gia súc, gia cầm phát triển 28 khu giết mổ tập trung, sử dụng khoảng 1.800 lao động, giá trị sản xuất đạt gần 106 tỷ đồng. Chế biến trái cây, rau quả đạt giá trị hơn 4 tỷ đồng; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nước khoáng Duyên Hải sử dụng 1.970 lao động đạt giá trị gần 90 tỷ đồng.
Các dự án trọng điểm được tỉnh ưu đãi thu hút đầu tư, như: nhà máy chế biến đậu phộng tại huyện Cầu Ngang, công suất 10.000 tấn. Nhà máy chế biến nông sản ( nước giải khát từ trái cây, rau, củ, quả sấy…) tại huyện Cầu Kè và Tiểu Cần, công suất 2 triệu tấn. Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu tại xã Long Đức (thành phố Trà Vinh), công suất 20.000 tấn; nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm tại huyện Trà Cú, công suất 20.000 tấn; nhà máy chế biến bánh kẹo tại huyện Tiểu Cần…
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ dành nguồn ngân sách khuyến công, xúc tiến thương mại và nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh 8,3 tỷ đồng; huy động nguồn vốn hỗ trợ của Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME Trà Vinh), Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (AMD Trà Vinh) khoảng 5 tỷ đồng; kinh phí còn lại khoảng 700 tỷ đồng được huy động từ các doanh nghiệp để đầu tư phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm .
Trước mắt, tỉnh Trà Vinh ưu tiên mở rộng nhà máy chế biến thủy sản ở thị xã Duyên Hải, công suất 15.000 tấn để nâng cao giá trị nghề khai thác nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh./.
Phúc Sơn/TTXVN