|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Văn phòng Ủy ban, lãnh đạo các Bộ: TN&MT, TT&TT, GTVT, Bộ Nội vụ, NN&PTNT.
Báo cáo kết quả công tác năm 2019, Văn phòng Ủy ban cho biết, năm 2019 tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, mưa giông, lốc tại nhiều địa phương làm hư hỏng nhiều nhà ở; tai nạn, sự cố, cháy nổ nghiêm trọng có chiều hướng tăng; đặc biệt là mưa lũ cục bộ tại một số tỉnh gây ra lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng tại nhiều địa phương trên cả nước; nắng nóng nhiều nơi nhiệt độ trên 430C; cháy nổ, cháy rừng xảy ra nhiều gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết nhiều người và thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Tính từ ngày 15/12/2018 đến ngày 15/12/2019, toàn quốc đã xảy ra 3.852 vụ sự cố, thiên tai (tăng 1.413 vụ, bằng 57,9%). Hậu quả làm chết 517 người (giảm 96 người, 15,6%), mất tích 178 người (giảm 88 người, 33,1%), bị thương 720 người (giảm 130 người, 15,3%); chìm, cháy hỏng 734 phương tiện (tăng 52 phương tiện); cháy 1.426 nhà xưởng, 2.064 ha rừng (tăng 727 ha); sập 1.083 nhà, hư hỏng 21.735 nhà, hư hại 116.940 ha lúa và hoa màu; tràn 4.000 lít dầu.
Về kết quả công tác, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 đạt kết quả tốt.
Năm 2019, Ủy ban đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều phối, các bộ, ngành, địa phương điều động hơn 207.000 lượt người, hơn 7.000 lượt phương tiện tổ chức ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn với 3.505 vụ. Qua đó, đã cứu được 5.143 người và 252 phương tiện, trong đó có 51 vụ/225 người/16 phương tiện có yếu tố nước ngoài; thông báo, kêu gọi cho 510.000 lượt phương tiện, với gần 2,4 triệu lượt người hoạt động trên biển biết tình hình thời tiết nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn; kịp thời điều nhiều lượt máy bay bay vận chuyển bệnh nhân, cứu chữa người bị bệnh, bị nạn trên đảo, trên biển, nhà giàn, tàu cá, tàu hàng bị nạn trên biển về bờ an toàn; hoàn thiện, thể chế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực ứng phó thiên tai thảm họa, TKCN.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tặng hoa chúc mừng tân Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ứng phó sự cố, thiên tai, TKCN còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải rất nỗ lực, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm để khắc phục có hiệu quả.
Thiệt hại do thiên tai còn lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng của người dân khi xảy ra mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Công tác giáo dục, tuyên truyền về ứng phó sự cố, thiên tai trong thời gian qua tuy đã được quan tâm, chú trọng hơn, song nhận thức tại một số chính quyền cơ sở và người dân chưa đầy đủ, vẫn còn biểu hiện chủ quan, đơn giản. Công tác phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Công tác quản lý tàu cá hoạt động đánh bắt trên biển, công tác kiểm định, kiểm tra chất lượng tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển chưa được chặt chẽ.
Công tác dự phòng trang bị, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu “4 tại chỗ” tại một số địa bàn nằm trong vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ còn chưa được coi trọng đúng mức.
Phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho ứng cứu, TKCN sự cố, công trình ngầm, xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy nhà cao tầng còn thiếu.
Do đó, hội nghị tập trung bàn thảo về một số giải pháp, phương hướng trong thời gian tới như: Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN; xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN các cấp.
Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định quản lý, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn.
Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện Kế hoạch phòng chống thiên tai và TKCN, Kế hoạch phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão không để bị động, bất ngờ sẵn sàng ứng phó có hiệu quả các tình huống.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó sự cố, thiên tai. Tích cực phổ biến kiến thức về bão, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá... đến mọi người dân nâng cao khả năng tự phòng, tránh.
Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dự báo để dự báo kịp thời, chính xác nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và TKCN.
Tích cực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn. Tăng cường hợp tác quốc tế và học tập kinh nghiệm của các nước trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn.
Nhật Bắc