Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 4/2, đã có 307.715.151 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 74.874.140 ca bệnh đang điều trị, có 74.782.618 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 91.522 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 224 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 1.581.035 ca nhiễm và 3.486 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 131.809.131 ca nhiễm mới và 1.629.212 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Pháp, Đức và Nga có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 274.352; 240.218 và 155.768 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga cũng là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực với 667 ca, tiếp sau đó là Italy (414 ca) và Anh (321 ca).
Với 102.358.821 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 4/2, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 669.306 ca nhiễm mới và 2.314 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người mới nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 147.183; 107.530 và 93.388 ca. 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong nhiều nhất là: Ấn Độ, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ với con số lần lượt là 1.100; 286 và 233 ca.
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 90.377.613 ca, trong đó có 1.333.800 ca tử vong và 58.526.310 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 255.994 ca nhiễm COVID-19 mới, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực; tiếp sau là Mexico với 42.181 ca và Canada với 12.557 ca nhiễm mới. Cùng với đó, Mỹ cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong ngày qua với 2.376 ca; sau đó là Mexico với 573 ca, Canada với 154 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 418.634 ca nhiễm và 1.900 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 49.714.703 ca và 1.221.388 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 286.050 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 42.437 ca, và Chile với 35.197 ca nhiễm mới. Đồng thời, với 923 ca tử vong ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất khu vực vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 381 ca và Colombia với 262 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 4/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 11.143.868 ca, trong đó có 240.786 ca tử vong và 9.987.153 ca bình phục. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số ca nhiễm mới nhiều nhất châu lục là: Tunisia (5.715 ca), Libya (3.656 ca); Nam Phi (3.266 ca). Trong khi đó, 3 quốc gia có số ca mới tử vong nhiều nhất trong ngày là: Nam Phi (82 ca), Tunisia (67 ca) và Morocco (51 ca).
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 2.842.482 ca nhiễm (tăng 35.151 ca) và 6.397 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 91 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 33.191 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.645.825 ca, trong đó 3.989 ca tử vong (tăng 85 ca). Tiếp sau đó là New Celedonia với 1.260 ca nhiễm mới trong ngày qua.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước do sự lây lan của biến thể Omicron, nhiều quốc gia châu Á tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế mức độ lây lan của virus. Trong đó, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn 2 tuần các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron. Chính phủ cũng quyết định giảm độ tuổi được sử dụng thuốc điều trị COVID-19 từ 60 tuổi xuống còn 50 tuổi để hạn chế các ca bệnh nặng. Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang xem xét cách thức cải thiện hệ thống điều trị COVID-19 tại nhà để đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ban hành quy định mới, theo đó chỉ những người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19 dương tính mới phải làm xét nghiệm PCR./.
Khánh Linh