Dựa trên tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực nghiên cứu dự án điện gió tại xã Hướng Linh này sẽ được phát triển theo từng giai đoạn thông qua sáu tiểu dự án với công suất tối thiểu 30 MW. Cả hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu sức gió và địa điểm để chọn vị trí đặt tua bin cho các tiểu dự án trên.
Tại lễ ký kết diễn ra chiều 6-12, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tân Hoàn Cầu cho hay khu vực này được quy hoạch với diện tích gần 2.900 héc ta. Đây là khu vực giáp Lào, địa hình đồi núi, có nắng và gió quanh năm, dân cư thưa thớt. Người dân ở đây luôn ước mơ được biến gió thành một sản phẩm nào đó có thể bán hoặc xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cho vùng Quảng Trị.
Dự án sử dụng công nghệ của Vestas là dự án mới. Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, Tân Hoàn Cầu đã đưa vào hoạt động nhà máy điện gió Hướng Linh 2.
Đánh giá về tiềm năng thị trường Việt Nam, ông Clive Turton, Chủ tịch Vestas khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho hay, Việt Nam có bờ biển dài, có diện tích đất lớn và nguồn gió dồi dào, được Vestas đánh giá là nước có tiềm năng về điện gió lớn nhất khu vực ASEAN. Sản lượng điện gió tiềm năng có thể lên tới 30 GW nếu được đầu tư đúng mức. Hiện Vestas đang cung cấp công nghệ, dịch vụ và cơ chế tài chính cho một số dự án điện gió tại Việt Nam.
Ông Huế cho biết giá mua điện thấp là một trong những khó khăn lớn của nhà đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ không thể mua điện gió với giá cao như các nước Thái Lan, Hàn Quốc (khoảng 25 xu Mỹ/kWh). Giá điện gió ở Việt Nam hiện nay chỉ là 7,8 xu Mỹ/kWh, ngang với giá điện than. Do đó, các nhà đầu tư quan ngại về hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn khi đầu tư vào những dự án năng lượng tái tạo này.