|
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021”. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết tại Chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021” do Bộ KH&CN phối hợp cùng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 14/12.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trong Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh…
Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các DN, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho DN khởi nghiệp, giúp DN khởi nghiệp mở rộng thị trường đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành, như: Vingroup, Nexttech, FPT, CMC…
Một trong những điểm nổi bật của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là chúng ta đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước; đã thiết lập được Mạng lưới hỗ trợ và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ. Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới.
Chuyển đổi từ “đóng” sang “mở”, mở rộng liên kết, hợp tác
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh: “Hiện nay là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các DN khởi nghiệp sáng tạo cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ.
Đồng thời, tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Các DN, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội cần tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các start-up, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo; cùng chung tay phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở quốc gia; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái theo mô hình mở; kết nối các dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái trên cùng một nền tảng, chia sẻ thông tin, dữ liệu để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Làm rõ hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay: “Trước đây, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chỉ làm việc, kết nối trong hệ sinh thái, giữa những người làm khởi nghiệp với một số nhà hỗ trợ khởi nghiệp, một số nhà đầu tư. Đến năm 2021, qua kinh nghiệm của các nước cho thấy, chúng ta phải kết nối với doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty để họ đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp".
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, người làm khởi nghiệp có nhiều ý tưởng sáng tạo để giải quyết bài toán cho các doanh nghiệp, nhưng năng lực không đủ, nên cần đến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
"Vì vậy, chúng tôi đã kết nối với lực lượng trí thức, kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời các doanh nghiệp, doanh nhân đã thành công chia sẻ bài học, đồng hành với các start-up để hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho biết một trong yếu tố chiến lược mà Chính phủ Israel đưa ra là dành một nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
"Chúng tôi dành tới 4,9% GDP cho công tác nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi cũng có cơ quan về đổi mới sáng tạo. Cơ quan này tương đương như một bộ để điều phối tất cả các hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa ra các hình thức hỗ trợ, không chỉ khuyến khích doanh nghiệp start-up mà cả các doanh nghiệp khác”, ông Nadav Eshcar nói.
Theo Bộ KH&CN, trong bối cảnh dịch COVID-19, từ tháng 9-12/2021, TECHFEST 2021 đã được tổ chức thích ứng linh hoạt với hơn 120 sự kiện dưới cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, quy tụ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các đơn vị hỗ trợ, chuyên gia, nhà đầu tư trên 16 lĩnh vực công nghệ/các khía cạnh liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong nước cũng như quốc tế. Các chuỗi sự kiện đã thu hút khoảng 2.500.000 lượt tham dự, quy tụ hơn 500 diễn giả trong nước và quốc tế tham dự.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái TPHCM tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191 Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 3 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD (VNG, VNPAY, MOMO) và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Đây cũng là một năm thành công của các startups trong lĩnh vực Fintech, Thương mại điện tử , Food & Beverage, Games và Blockchain.
Hoàng Giang