|
Ảnh: plo.vn |
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong thời gian qua, từ Thanh Hoá tới Phú Yên đã xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt bất thường kéo dài lên đến hơn 30 ngày, không có mưa, độ ẩm thấp, nền nhiệt luôn ở mức từ 37-39 độ C, nhiều nơi trên 40 độ C, kèm theo gió Lào khô nóng thổi mạnh cấp 6-7, giật trên cấp 7… vì thế nhiều nơi đã xảy ra các vụ cháy rừng, cháy thảm cỏ, thực bì, cây bụi.
Một số tỉnh, thành phố đã xảy ra cháy rừng như: Ninh Bình 1 vụ, Nghệ An 4 vụ, Hà Tĩnh 3 vụ, Quảng Trị 1 vụ, Thừa Thiên-Huế 3 vụ, Đà Nẵng 1 vụ và Phú Yên 2 vụ.
Nhiều vụ cháy đã được khống chế, nhưng sau đó bùng phát trở lại và kéo dài trong nhiều ngày. Điển hình vụ cháy tại xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bùng phát trở lại 2 lần và kéo dài trong 3 ngày; vụ cháy tại các xã Sơn Trung, Sơn Lễ, (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) bùng phát 3 lần trong 3 ngày; vụ cháy tại huyện Hương Trà và Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên-Huế); vụ cháy tại xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Khi xảy ra các vụ cháy, Bộ NN&PTNT đã triển khai ngay 6 tổ công tác tại các tỉnh miền Trung để hỗ trợ các địa phương trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Các địa phương đã tổ chức huy động hơn 6.000 lượt người tham gia chữa cháy gồm kiểm lâm, công an, quân đội, dân quân tự vệ và người dân địa phương.
Các vụ huy động lực lượng, phương tiện lớn như: Vụ cháy tại Nghi Xuân huy động gần 1.000 lượt người, 11 xe cứu hoả tham gia chữa cháy; vụ cháy tại Hương Sơn huy động khoảng 500 người và xe cứu hoả.
Tham gia kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy rừng tại huyện Nghi Sơn, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, đến nay điểm cháy đã được khống chế. Để ngọn lửa không bùng phát trở lại, Tổng cục trưởng cũng đề nghị cử các lực lượng đi rà soát lại các điểm đã cháy, xác định nơi nào còn tàn để dập tắt hẳn.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đang trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế cho TTXVN biết, thời gian tới vẫn còn cao điểm của mùa khô hạn, nên các tỉnh cần bám sát các giải pháp chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo và cương quyết không để xảy ra cháy rừng, nhất là đối với các khu rừng có các công trình trọng điểm quốc gia như đường dây 500 kV.
Các địa phương, đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và phải chấm dứt hẳn việc dùng lửa để xử lý thực bì đối với rừng trồng. Các tỉnh cần phát huy tốt vai trò của ban chỉ đạo các cấp, nhất là người chỉ huy, bởi nếu chỉ huy không tốt thì sự phối hợp cũng sẽ không tốt. Về lâu dài, các tỉnh cần có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng bài bản, trong đó có dự án đầu tư trung hạn cho hoạt động này.
Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các bộ, ngành tiếp tục đề xuất Chính phủ những giải pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện; các giải pháp ứng phó với trước mắt cũng như lâu dài để quản lý tốt trong phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời sẽ tiếp tục duy trì các tổ công tác bám sát hiện trường để nắm bắt tình hình và hỗ trợ các địa phương.
Theo Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), do nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh nên hiện nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định Phú Yên vẫn có mức cảnh báo cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngày 29/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 776/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng gửi UBND các tỉnh từ Ninh Bình đến Khánh Hoà.
|
BT