PV: Đầu tiên xin chúc mừng đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy. Thưa đồng chí, nhìn lại kết quả đạt được của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI, tỉnh Quảng Trị có thể tự hào về điều gì?
Được Bộ Chính trị điều động phân công giữ nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đối với tôi đó là niềm vinh dự rất lớn, đồng thời, tôi cũng ý thức sâu sắc trách nhiệm rất cao đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Trách nhiệm lớn như vậy đòi hỏi mình cần phải cố gắng, nỗ lực, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, điều hành, tận tâm, tận lực, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xây dựng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đoàn kết để cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Nhìn lại kết quả đạt được của nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh không chỉ để đánh giá chặng đường 5 năm (2015-2020) đã qua mà còn là khẳng định kết quả, dấu ấn của tỉnh nhà sau 30 năm đổi mới. Có thể khẳng định, những thành quả của đất nước sau gần 35 năm đổi mới cùng với sự phát triển của tỉnh Quảng Trị trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị… đã củng cố lòng tin và tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và hệ thống chính trị.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (gọi tắt là Dự thảo Báo cáo chính trị - PV) đã khẳng định và làm nổi bật lên những thành tựu của tỉnh sau 30 năm lập lại (1989-2019). Nhìn lại sau 30 năm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển vượt bậc. Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, bình quân mỗi năm đạt 7,8%; tính theo giá so sánh thì quy mô nền kinh tế năm 2019 bằng 9,5 lần năm 1989; GRDP bình quân đầu người năm 2019 bằng 6,9 lần năm 1989. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đã thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng. Sản xuất công nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoạt động thương mại - dịch vụ quy mô ngày càng tăng với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư; phát triển hài hòa giữa thành thị - nông thôn, đồng bằng - miền núi. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử. Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã khẳng định: Quảng Trị đã thực hiện được mục tiêu đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Đây là thành quả quan trọng từ sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà, sự kế thừa và phát huy thành tựu của tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ sâu sát, thiết thực, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của các địa phương trong cả nước. 30 năm qua là chặng đường có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh, cùng với những kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ tạo tiền đề, nền móng vững chắc cho quê hương phát triển.
PV: Thưa đồng chí, Dự thảo báo cáo chính trị cũng đề ra phương hướng và mục tiêu tổng quát là: Phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025; nằm trong nhóm 30 tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này thì công tác nhân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ quyết định thành công của đại hội, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của từng địa phương, đơn vị trong suốt nhiệm kỳ, đề nghị đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này?
Để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp đòi hỏi một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm chứ không phải đến Đại hội mới làm. Cụ thể, phải xây dựng nền tảng từ sự tin tưởng của người dân qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong nhiều năm. Toàn tỉnh đã nỗ lực, tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp với tinh thần nghiêm túc. Công tác chuẩn bị Đại hội đã được tiến hành một cách bài bản, kỹ lưỡng, cả về văn kiện và nhân sự. Công tác xây dựng văn kiện, mà báo cáo chính trị là trung tâm, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, phải kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng và định hướng phát triển của địa phương. Việc tổng kết, đánh giá phải trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, toàn diện, nhận rõ những thành tựu, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.
Xây dựng văn kiện đã khó, công tác cán bộ, nhân sự còn khó hơn, phức tạp hơn. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải gắn với việc củng cố lại đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, phương thức, cơ chế, lề lối làm việc, cải cách hành chính trong Đảng… Các cấp ủy phải đồng thời lãnh đạo đẩy mạnh các nhiệm vụ về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội…; đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Thực hiện thật tốt một công việc “then chốt của then chốt”, đó là: Chuẩn bị nguồn cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đáp ứng được yêu cầu cao của sự phát triển trong những năm tới. Điều này đòi hỏi ngoài việc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thì cán bộ trong bộ máy phải xác định tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động để hoàn thành nhiệm vụ. Phải có tinh thần nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt. Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...”. Do vậy “việc giới thiệu nhân sự nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu...”. Phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu.
PV: Phát huy những thành quả đạt được, thấy rõ những mặt hạn chế của nhiệm kỳ qua, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ đề ra phương hướng, mục tiêu gì để đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển trong thời gian tới? Và để đạt được, yếu tố quan trọng nhất được xác định là gì, thưa đồng chí?
Định hướng phát triển đúng, cùng với quyết tâm chính trị, khát vọng phát triển, tinh thần trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong Nhân dân; sự ổn định về chính trị, xã hội tiếp tục được giữ vững là điều kiện, là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh những vận hội, cơ hội phát triển và hội nhập, nội tại nền kinh tế tỉnh sẽ còn những khó khăn nhất định; trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực xuất hiện thêm những khó khăn, thách thức cho đất nước cũng như tỉnh nhà như dịch bệnh, thiên tai… đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ và quyết tâm cao nhất của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Các ngành, lĩnh vực được chọn để đột phá: Trụ cột thứ nhất là các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế của địa phương, như: công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản (nhất là công nghiệp chế biến gỗ); công nghiệp silicat; công nghiệp may mặc. Trụ cột thứ hai là tập trung nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị. Trụ cột thứ ba là tập trung vào một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tiềm năng lớn và có khả năng cạnh tranh (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, thị trường bất động sản...) và Phát triển nhanh hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số, nhằm xây dựng và phát triển kinh tế số. Và trụ cột thứ tư rất quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Dự thảo Báo cáo chính trị đặc biệt nhấn mạnh đến việc “chủ động”, đó là chủ động hội nhập, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; tranh thủ cơ hội và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng công nghệ số để tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực. Sự chủ động này đòi hỏi phải đến từ người đứng đầu và lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết đến từng cá nhân để mỗi người đều chủ động hơn, sáng tạo hơn trong chính công việc của mình.
Như phần trên phóng viên có hỏi về công tác nhân sự và tôi có trả lời về yếu tố con người – đây là yếu tố quan trọng nhất. Đó là lãnh đạo các cấp và người dân và doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, kể cả người Quảng Trị ở ngoài tỉnh, có chung sức đồng lòng để cùng hướng tới mục tiêu đó, cùng hành động cho mục tiêu đó hay không?. Chúng ta chỉ thật sự thành công khi hội tụ được sức mạnh đoàn kết, khơi dậy khát vọng cống hiến và chinh phục của người Quảng Trị. Tôi mong muốn rằng, chúng ta đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn; đã sáng tạo rồi, phải sáng tạo hơn vì mục tiêu chung đó là đưa Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững, nâng tầm vị thế của Quảng Trị trong tương quan cả nước!
Phóng viên: Thưa đồng chí, xin phép được hỏi câu hỏi mang tính chất cá nhân, với kinh nghiệm và sự quan sát của một người trải qua nhiều vị trí, nhiều cương vị từ địa phương đến Trung ương, đồng thời qua quá trình thực tế trải nghiệm tại Quảng Trị, đồng chí có cảm nhận như thế nào về con đường của tỉnh trong thời gian tới?
Là người con của mảnh đất miền Trung nên dù ở đâu, nhận nhiệm vụ gì thì trong tâm thức tôi vẫn có sự chú ý, quan sát nhất định đối với khu vực này với những câu hỏi khiến mình trăn trở: Tiềm năng của khu vực này như thế nào? Lợi thế con người, mảnh đất trong tương quan chung với cả nước và sức bật trong tương lai ra sao? Thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã có nhiều công sức, đóng góp giúp tỉnh phát triển. Là thế hệ lãnh đạo tiếp nối, chúng tôi phải cố gắng kế thừa những thành tựu của các lãnh đạo tiền nhiệm để lại, phát huy và nỗ lực hơn nữa giúp Quảng Trị duy trì phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó là chăm lo thật tốt đời sống của Nhân dân.
Thực tế cho thấy lợi thế, đặc biệt là lợi thế đất đai, đã thay đổi theo thời đại. Thế nên, không lấy làm ngạc nhiên khi nền nông nghiệp của các tỉnh vốn được xem là thuận lợi như Thái Bình, Hải Dương hay Hưng Yên bắt đầu “khó đua” với các tỉnh Sơn La hay Gia Lai, Đắk Lắk. Tôi rất lấy làm thú vị với câu chuyện của Ninh Thuận bởi nó có nhiều nét tương đồng với điều kiện tỉnh ta. Cả Quảng Trị và Ninh Thuận khi nghe nhắc đến tên đã biết là khó khăn không thể tưởng tượng được bởi vùng đất quá cằn cỗi, nghèo khó, hầu như chỉ có nắng gió, lũ lụt và bão tố. Đất cằn vì hạn, vì quá nhiều nắng và gió - những bất lợi thế tuyệt đối đối với nền nông nghiệp truyền thống giờ đây lại biến thành thế mạnh khác thường: Ninh Thuận nay đang trở thành “vương quốc” của điện gió và điện mặt trời, của du lịch đẳng cấp cao. Rõ ràng, họ đang làm giàu nhờ chính những thứ đã từng làm họ nghèo suốt nhiều thế kỷ.
Quảng Trị hoàn toàn có thể tận dụng “lợi thế đi sau” nhưng lợi thế này phải đi kèm với tầm nhìn vượt trước. Đó là thấy “vàng” ở những chỗ tưởng như “đã kiệt cùng năng lực phát triển” theo lối truyền thống. Để làm được điều này, chúng ta cần có rất nhiều cá nhân có khát vọng cống hiến và chinh phục hơn. Đây cũng là điều được Dự thảo Báo cáo chính trị tâm đắc đề cập đến một vấn đề rất hay, đó là “Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; phát huy sức mạnh về truyền thống văn hóa, lịch sử và phẩm chất con người Quảng Trị”. Khi khơi dậy được mạnh mẽ khát vọng vươn lên, chinh phục những thử thách, mục tiêu mới, Quảng Trị hoàn toàn có thể phát triển nhanh, bền vững trên nền nội lực của mình, giúp tạo ra vị thế mới và nâng tầm Quảng Trị trong tương quan với cả nước!
PV: Xin cám ơn đồng chí đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Chúc Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII thành công tốt đẹp!
Phương Nam (thực hiện)