Tham dự hội thảo có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các nhà khoa học cùng các nhân chứng lịch sử…

Hội thảo đã làm nổi bật tầm vóc và những bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (ảnh: VL)

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh: “Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc, thể hiện nghệ thuật chiến tranh cách mạng, sức sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo (ảnh: VL)

Cuộc hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa Xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ; tinh thần quật khởi, truyền thống đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Hội thảo được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, nơi mà 50 năm trước là chiến trường trọng điểm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn – Gia Định xưa, TP. Hồ Chí Minh hôm nay luôn dốc sức cho sự nghiệp cách mạng, khẳng định ý chí, bản lĩnh Nam Bộ thành đồng.

Phát biểu chào mừng hội thảo, thay mặt lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vui được phối hợp tổ chức sự kiện quan trọng này và nhấn mạnh: Từ hội thảo khoa học quan trọng này, quân và dân TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc, tiếp tục vun đắp truyền thống cách mạng hào hùng và lòng yêu nước, trân trọng và gìn giữ những thành quả mà cha ông ta đã dày công vun đắp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Tất Thành Cang phát biểu chào mừng Hội thảo
(ảnh: VL)

"Đảng bộ và nhân dân TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu đi trước, về đích trước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, đồng lòng, chung sức phát huy mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng TP.Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – Thành phố Anh hùng" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Tất Thành Cang nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng cho biết, hội thảo khoa học là dịp để ôn lại sự kiện lịch sử hào hùng, tinh thần quyết chiến, khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đồng thời giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn giá trị lịch sử, thực tiễn và bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn để vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị hội thảo tập trung thảo luận làm rõ 4 nội dung, trong đó khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, cội nguồn thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đó là tư tưởng chiến lược tiến công, dám đánh, quyết đánh và tìm ra cách đánh thắng Mỹ ngay tại sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn và các đô thị miền Nam.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
(ảnh: VL)

Hai là, sự đoàn kết thống nhất phối hợp các lực lượng được phát huy, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt và thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết quả của việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trực tiếp là sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc và sức mạnh của tiền tuyến miền Nam; phát huy lực lượng vũ trang 3 thứ quân, làm nòng cốt tạo sức mạnh vững chắc để chiến thắng kẻ thù.

Ba là, kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một bước phát triển mới. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật chọn hướng mục tiêu, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới dành thế bất ngờ, nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng…

Bốn là, sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, phát huy sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đòn đánh quyết định vào cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Hội nghị Paris.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, từ bài học kinh nghiệm của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi quân và dân ta phải tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển thách thức thành thời cơ để phát triển đất nước. Vận dụng và phát huy tinh thần, ý nghĩa cũng như những bài học kinh nghiệm của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân, toàn dân ta cần tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, phát huy sức mạnh thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo (ảnh: VL)

Hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo khoa học của các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong đó có những cách tiếp cận mới, khách quan, chân thực, chính xác làm nổi bật tầm vóc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tại Hội thảo sáng nay, các đại biểu cũng đã được nghe nhiều tham luận nhằm làm rõ thêm về bối cảnh, chủ trương, quyết tâm chiến lược mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và diễn biến, kết quả; tầm vóc, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, vận dụng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay... Đây là hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ ba về chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, hai lần trước diễn ra vào năm 1998 và 2008.

Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” cuối năm 1965, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh của Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Song, sau ba năm trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, với hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967, quân Mỹ và đồng minh vẫn không tiêu diệt được Quân giải phóng và bình định được miền Nam, mà còn làm cho nước Mỹ càng sa lầy vào “đường hầm không có lối thoát”.

Để chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, giành thắng lợi quyết định, làm thay đổi cục diện chiến tranh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định động viên nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền Nam-Bắc đánh thẳng vào các đô thị, các cơ quan đầu não, trung tâm chính trị, quân sự, hậu cầu của địch bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 quân và dân ta đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào hầu hết các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự…trên toàn miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn – trung tâm đầu não chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Mặc dù bị tổn thất lớn, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng cho địch một đòn chí tử, làm chấn động nước Mỹ, đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường.


Vương Lê