Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ phát biểu tại Hội thảo
Đây là hoạt động nghiệp vụ nhằm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Tham dự có Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo địa phương, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh, thời gian gần đây tình trạng hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp tăng cao về số lượng và ngày càng có những diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Đáng ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp…
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà báo, các nhà quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo các nhà khoa học. Các tham luận tập trung trao đổi, làm sáng tỏ một số vấn đề như: Nhà báo gặp khó khăn như thế nào khi bị cản trở hành hung? Kinh nghiệm tác nghiệp ở điểm nóng qua một số tình huống cụ thể? Một số kỹ năng tác nghiệp trong hoạt động điều tra? Cách xử lý của tòa soạn trong trường hợp phóng viên bị hành hung? Những biện pháp nghiệp vụ trong khi tác nghiệp của nhà báo được xã hội nhìn nhận, đánh giá như thế nào?…
Các đại biểu đã nghe ý kiến của các nhà nhà quản lý và đội ngũ làm báo trong việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, góp phần xây dựng quy trình tác nghiệp báo chí, quy tắc ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm tự do thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở hoạt động báo chí đúng pháp luật.
Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đại biểu đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong hoạt động tác nghiệp để mỗi nhà báo hoàn thành tốt hơn những chức năng, nhiệm vụ cao cả của mình. Trước hết, các nhà báo phải biết tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, bản thân các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, cái tâm trong sáng, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật, hành nghề đúng luật...
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đề nghị, qua Hội thảo này cần sớm hoàn thiện những quy tắc tác nghiệp, chuẩn mực đạo đức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên của từng cơ quan báo chí, bảo đảm tuân thủ nghiêm túc Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo./.
Tin, ảnh: Hải Vân