Kết quả xét nghiệm và bác sĩ chẩn đoán sản phụ có tiền sử mắc bệnh về máu hiếm gặp. Ban Giám đốc Bệnh viện cũng xác định: Hai cháu bé trước đều xuất hiện vàng da, một bé tử vong và cháu thứ ba này tiên lượng sau khi sinh ra sẽ gặp nguy hiểm vì có sự bất đồng nhóm máu giữa bố và mẹ. Cụ thể, bố mang nhóm máu O Rh(+), mẹ nhóm máu: B Rh(-), như vậy mẹ đã mang một bệnh về máu nên việc sinh ra đứa bé đủ tuần và khỏe mạnh sẽ rất khó.
Đây là lần sinh thứ 3 của sản phụ, các bác sĩ chẩn đoán nếu không dùng phương pháp thay máu, cháu bé sẽ nguy hiểm đến tính mạng. TS, bác sĩ Đồng Sĩ Sằng, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học- Truyền máu Bệnh viện TW Huế cho biết: Để chuẩn bị cho phương pháp thay máu cho cháu bé ngay sau khi sinh mổ cần có đủ một lượng máu thuộc nhóm máu hiếm RhD âm. Theo đó, bệnh viện cần huy động 20 đơn vị máu O và 4 đơn vị máu AB để chuẩn bị thay cho cháu bé ngay khi bé chào đời và 10 đơn vị máu B cho mẹ. Qua nhiều kênh thông tin, Bệnh viện TW Huế đã phát lời kêu gọi người có nhóm máu hiếm cùng giúp đỡ hiến máu để cứu em bé sau khi chào đời.
BSCKII Trần Văn Lượng, Phó Trưởng khoa Truyền máu, Trung tâm Huyết học-Truyền máu Bệnh viện T.Ư Huế (TTHHTMBVTW) , Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Trung (CLBNMHMT), kêu gọi hiến máu trên facbook, nhận được hưởng ứng tích cực của thành viên CLBNMHMT. Ngày 22-9, rất nhiều thành viên của CLB đã có mặt tại TTHHTMBVTW Huế. Người đến sớm nhất là anh Trần Xuân Tấn, Ban chủ nhiệm CLBNMHMT, Chủ nhiệm CLBNMH Quảng Trị, cũng là người tích cực vận động, kêu gọi trên facebook các thành viên CLB hiến máu. Gặp tôi, Tấn vui vẻ, nói: “ Em “gọi” được 8 anh chị ở Quảng Trị vào hiến máu. Nhờ anh Nguyễn Khương Duy, kỹ sư xây dựng, làm việc ở UBND thành phố Đông Hà cho mượn xe và tình nguyện chở các thành viên cùng đi”. Duy tiếc lần này không hiến máu được, vì anh mới tiêm phòng
- Tấn không cùng nhóm máu, sao đi hiến? Tôi hỏi Tấn
- Em đưa các anh chị em đi. Em động viên họ ! Tấn nói vậy, nhưng cuối buổi lại hiến 500 đơn vị phục vụ cho hội nghị APEC.
Một chàng trai, nhìn rất bảnh trai, đưa cánh tay phải vẫn còn dính bông (sau khi hiến máu xong dán bông lên để máu khỏi chảy ra) nói: “Em vừa hiến máu xong”. Anh quê ở Hà Tĩnh, hiến máu lần thứ 17. Đi xe máy từ Hà Tĩnh vào Huế mất 6 tiếng. Tôi hỏi tên anh không nói, bảo: “Em chỉ muốn giúp bệnh nhân thoát được cửa tử thần”. Anh Phạm Xuân Quốc từ Đà Nẵng đi xe khách từ 6 h sáng ra Huế, cũng vừa hiến máu xong, lại vội vàng trở về quê tiếp tục công việc. Buổi hiến máu tình nguyện hôm ấy có khá nhiều người là nữ.
Chị Hồng Lân 24 tuổi ở Gio Linh, Quảng Trị đang chờ đến lượt hiến máu. Đây là lần thứ 6 chị san sẻ những giọt máu của mình để góp phẩn cứu sống bệnh nhân. Ngồi cạnh chị Hồng Lân là Nguyễn Thị Thúy Hằng, cán bộ y tế trường PTCS Đặng Văn Ngữ- Huế . Sau những phút giây bỡ ngỡ, chị bảo: “Hôm qua lên Facebook, biết ngày ni BVTW Huế tổ chức hiến máu cứu hai mẹ con sản phụ L, em đến để tham gia”. Chị Lê Thị Thúy Thương, ở thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ba người con sinh ba mới 6 tuổi, chồng chị bị tai nạn liệt nửa người, nhưng chị cũng đã đến đây rất sớm để sẻ chia những giọt máu hồng, giúp hai mẹ con chị L vượt qua cơn nguy kịch.
Nhóm máu RhD âm, là nhóm máu rất hiếm. Mặc dù tại TTHHTM vẫn có danh sách thành viên câu lạc bộ tình nguyện hiến các nhóm máu hiếm, nhưng vì đối với trường hợp thay máu cho trẻ sơ sinh phải sử dụng máu mới hiến. Tiêu chuẩn người hiến máu trẻ tuổi, có sức khỏe tốt, chưa có gia đình, với thời gian bảo quản không quá 72 giờ.
Ngày 27-9 có rất nhiều người từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng , Quảng Nam đáp ứng tiêu chuản trên, tiếp tục đến TTHHTMBVTW Huế hiến máu đợt hai để cứu sống cháu bé. Nhờ những giọt máu hiếm, máu quí ấy, ngày 28-9, Bệnh viện TW Huế đã thực hiện mổ thai và thay máu cho cháu bé với kết quả tốt.
Bác sĩ Công Hoa, Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Nhi khoa BVTW Huế cho biết : hơn một tuần kể từ ngày cháu bé ra đời đến nay, sau khi thay máu, sức khỏe cháu đã dần ổn định. Cháu bé đã bú tốt. Đây là thành công lớn của BVTW Huế, không chỉ về y đức mà còn cả một sự quyết tâm lớn của Ban giám đốc và các Trung tâm liên quan. kỹ thuật thay máu tại Bệnh viện T.Ư Huế đã được thực hiện cách đây hơn 25 năm. Nhưng do trường hợp như trên rất hiếm gặp nên nay mới thực hiện trở lại.
Để tìm biện pháp tốt nhất cứu sống cháu bé và sự an toàn của sản phụ, Bệnh viện TW Huế đã thành lập hội đồng y khoa gồm có nhiều chuyên khoa khác nhau từ Trung tâm sản, Trung tâm khoa khoa, Trung tâm huyết học truyền máu, Trung tâm Tim mạch và tiến hành hội chẩn rất kỹ, thông tin cụ thể với người nhà bệnh nhân để quyết định chọn phương pháp thay máu cho cháu bé.
Xuân Hồng