Hồi sinh không ngờ những cánh đồng 'chết' ở Quảng Trị 

Những cánh đồng “chết” khô cằn vì mưa bom bão đạn trước đây, “chết” mòn vì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu… được sử dụng tùy tiện nay đã đổi thay, trở thành những cánh đồng lúa hữu cơ bội thu.

Đến Quảng Trị dịp giữa tháng 9 nắng cháy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, bởi đập vào mắt là những cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay khoác biển hiệu “Lúa hữu cơ”...

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa đã đến kỳ thu hoạch rộng 8ha, ông Nguyễn Trung Trực - Giám đốc HTX Đại An Khê ở xã Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị) phấn khởi: “Vụ này lại được mùa, mai cắt lúa là xã viên được thu tiền tươi luôn rồi”.

Đang đi, ông Trực cúi xuống vạch những khóm lúa trĩu bông để minh chứng, trồng lúa hữu cơ không còn ô nhiễm, nhện giăng phủ đầy trên bông, ở dưới chân ruộng, cá, cua cũng nhiều, ai thích ăn thì bắt - chỉ 30 phút là có bữa ăn tươi.

Hồi sinh không ngờ những cánh đồng 'chết' ở Quảng Trị
Những cánh đồng lúa hữu cơ chín vàng ươm ở Quảng Trị

Đổi thay

Theo thống kê của cơ quan chức năng, khối lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây trồng tại địa bàn ước tính là 70 tấn/năm. Theo đó, sẽ có khoảng 7.000kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật được thải ra trên đồng ruộng. Nhiều người nông dân cũng thừa nhận, không chỉ với phân bón vô cơ mà thuốc bảo vệ thực vật cũng được dùng theo cảm tính.

Không chỉ ở riêng tỉnh Quảng Trị, theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ diễn ra trên khắp các tỉnh thành và đang ở mức báo động. Hậu quả, đã có 2,2 triệu ha đất canh tác đang bị hủy hoại (đất bạc màu, mặn, chua).

2 năm gần đây, mọi thứ ở những cánh đồng "chết' đã thực sự thay đổi. Người nông dân bắt đầu chuyển đổi từ trồng lúa truyền thống sang liên kết với DN làm lúa hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân hóa học, trong quá trình trồng và chăm sóc chỉ được dùng duy nhất loại phân hữu cơ vi sinh.

Hồi sinh không ngờ những cánh đồng 'chết' ở Quảng Trị
Không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên cá tôm xuất hiện đầy đồng, bà con tha hồ bắt về ăn


Mọi thứ thay đổi buộc người nông dân phải thay đổi thói quen. Làm lúa hữu cơ, giống buộc phải dùng chung một loại của DN cấp, phân hữu cơ cũng của DN - đặc biệt phải thực hiện nghiêm việc không dùng bất cứ loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật nào.

Lúa lên xanh tốt, cua cá đầy đồng

Chỉ tay xuống bờ ruộng ngay dưới chân mình, ông Trực cho biết, không dùng phân vô cơ, không phun thuốc trừ cỏ nên bờ ruộng cỏ mọc um tùm, chim chóc cũng kéo về làm tổ đầy trên cánh đồng vì môi trường sạch hơn trước rất nhiều. Dưới ruộng, cua cá sinh sôi nhiều vô kể, người nông dân bắt ăn không xuể.

Không chỉ giúp môi trường không còn bị ô nhiễm, người nông dân trên những cánh đồng lúa hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị rất phấn chấn vì đón những vụ mùa bội thu để từ đó xây dựng nên thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị.

Ông Cao Đình Lập, một nông dân trồng lúa hữu cơ trên cánh đồng 32ha tại xã Vĩnh Thuỷ (Vĩnh Linh, Quảng Trị) niềm nở, trồng lúa hữu cơ, lúc gặt thì có máy, lúa thu được cân bán tươi luôn cho DN nên không cần ngóng nắng trông mưa để phơi vất vả như trước.

Đặc biệt, giá thu mua cũng được cam kết ngay từ đầu vụ, cân lúa xong, nông dân trồng lúa như ông được đếm trả tiền tươi – điều mà bao năm làm nông nghiệp ông mơ ước. Chưa kể, bán lúa tươi, ông cũng thoát cảnh phụ thuộc hay lo chuyện thương lái ép giá.

Hồi sinh không ngờ những cánh đồng 'chết' ở Quảng Trị
Ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc HTX Đại An Khê vui mừng vì bà con năm nay được mùa nhờ trồng lúa hữu cơ
Hồi sinh không ngờ những cánh đồng 'chết' ở Quảng Trị
 Cánh đồng lúa hữu cơ ở Quảng Trị

Thu nhập ổn định

“Liên kết với DN làm lúa hữu cơ thì vụ nào cũng chắc thắng. Bởi doanh nghiệp họ có bảo hiểm năng suất cho mình, nếu lúc thu hoạch không đạt năng suất tối thiểu thì họ sẽ đền bù. Tính ra kiểu gì cũng có lãi”. Ông Lập nói và cho biết, 2 vụ trước vợ chồng ông cấy 1,3 mẫu lúa hữu cơ, sau khi thu hoạch và cân bán lúa, trừ tiền phân, tiền giống còn lãi tới gần 40 triệu đồng. Vụ này năng suất cũng tương đương nên tôi cầm chắc 20 triệu đồng tiền lãi sau khi đã trừ hết chi phí.

“Sang vụ Đông - Xuân tới đây, sẽ mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ của gia đình lên 3 mẫu" - ông Lập hào hứng.

Ông Nguyễn Trung Trực cũng thừa nhận, với năng suất ổn định như 3 vụ vừa rồi, mỗi 1ha người dân cũng "đút túi"  trung bình 20 triệu đồng/vụ tiền lãi, chưa kể hộ nào chăm sóc tốt thì số tiền lãi còn tăng cao hơn...

Hồi sinh không ngờ những cánh đồng 'chết' ở Quảng Trị
Nông dân tất bật thu hoạch trên những cánh đồng lúa hữu cơ

Ông Đoàn Việt Cường, Phó GĐ công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị - đơn vị tham gia liên kết với nông dân để làm mô hình lúa hữu cơ tại Quảng Trị cho biết, năng suất lúa tươi bình quân đạt 56 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ - cho thu nhập bình quân 56 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, làm đất, thu hoạch cho lãi bình quân trên 30 triệu đồng/ha, nhiều nơi có năng suất cao cho lãi 38-40 triệu, cao hơn sản xuất đại trà từ 15-18 triệu.

"Hai vụ đầu, với 250ha lúa liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ thì tổng sản lượng thu được là hơn 1.360 tấn lúa tươi, tổng thu nhập của mô hình là 9,5 tỷ đồng, lãi toàn mô hình qua 2 vụ là 4,81 tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha lúa hữu cơ/2 vụ là 80-90 triệu đồng. Vụ thứ 3 vẫn chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng năng suất cũng không kém gì những vụ trước", ông Cường chia sẻ.

1102 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1001
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1001
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87106651