Sống lại những ngôi làng
Trôi qua cửa kính ô tô chạy bon bon trên Đường 9 từ Đông Hà lên Cam Lộ (Quảng Trị) là bạt ngàn nương bắp đang trổ cờ tung phấn, địu bắp to bằng cổ tay; tiếp nối là những cánh rừng cao su, tràm mướt xanh trải dài khắp các ngọn đồi. Xa xa, từng tốp học sinh tung tăng đến trường và cả những bác nông dân bên ruộng lúa, vườn đậu phộng xanh ngút tầm mắt… Tại Km14 Đường 9, rẽ theo con đường quanh co dẫn đến với Phường Cội, một thôn của xã Cam Thành, huyện Cam Lộ do những người làm nghề đẽo cày, đốt than, khai thác cây gỗ (gọi chung là nghề cội) khai phá, lập làng cách đây cả trăm năm. Cái tên Phường Cội cũng ra đời từ đó, như sự nhắc nhớ người làng về nguồn cội, tổ tiên.
Trong ngôi nhà xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi, ông Trần Văn Ngụ, Trưởng thôn Phường Cội, vui vẻ kể: “Phường Cội là một trong những địa danh từng bị phong tỏa bởi các loại hỏa lực mà Mỹ - ngụy đóng chốt từ cao điểm 241, Tân Lâm dội về, hoặc từ chi khu Cam Lộ nhắm sang để giữ huyết mạch Đường 9. Biết bao bom đạn trút xuống nơi đây, biến rừng xanh thành bình địa, đất đai thành chiến địa, khiến người dân phải ly tán khắp nơi”.
Nhấp ngụm trà xanh, ông kể tiếp: Ngày 19-2-1999, được ghi vào sách sử của thôn như cột mốc quan trọng đánh dấu sự hồi sinh vùng đất này. Ngày ấy, cả vùng đất rộng mênh mông gần như chỉ dành cho những ai liều mạng đục, cưa bom đạn để lấy phế liệu; nay đã được “làm sạch” với nguồn kinh phí từ dự án phá gỡ bom mìn của SODI (Cộng hòa Liên bang Đức). Chính quyền địa phương và SODI tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng khu tái định cư Phường Cội rộng 111ha, bước đầu quy tụ 54 hộ với 214 nhân khẩu, đa phần là các cặp vợ chồng trẻ quanh vùng. SODI hỗ trợ mỗi hộ 8,8 triệu đồng làm nhà ở và xây công trình vệ sinh, cũng như khoản vốn vay nhỏ lãi suất thấp để làm ăn.
“Có lẽ đắng cay mới ngọt lành nên sự đổi thay trên vùng đất chiến trường xưa thật kỳ diệu. Khởi đầu cho ước mơ an cư lạc nghiệp của người trẻ là những chuỗi ngày quay quắt trong nắng nóng, gió Lào khô khan thổi phừng phực giữa bốn bề vườn tược cằn cỗi. Song với sự can trường, chịu thương chịu khó và ham học hỏi của lớp trẻ nên giờ đây những cánh rừng cao su, cây ăn quả trải dài khắp thôn, nhà cao tầng san sát như thị tứ… Thêm vào đó, Phường Cội đang có 20 người trẻ theo học ở các trường đại học trong và ngoài nước, tương lai sẽ trở thành những giáo viên, bác sĩ góp sức phát triển quê hương. Dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, thôn Phường Cội đã phát động phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, cho thấy sức vươn lên mãnh liệt của thôn trong hành trình đi tới tương lai”, ông Trần Văn Ngụ tự hào nói.
Không chỉ Phường Cội, hàng loạt ngôi làng tái định cư khác như Tân Hiệp (huyện Cam Lộ), Tân Định (huyện Triệu Phong), Trúc Lâm (huyện Gio Linh)… ở Quảng Trị cũng được chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức hành động bom mìn quốc tế triển khai xây dựng. Những vùng “đất chết” như được thắp lên hy vọng về tương lai an bình mà mọi người ước mong. Các tổ chức hành động bom mìn quốc tế còn góp phần mang lại những thay đổi đáng kể đối với Quảng Trị trong hơn 20 năm qua bằng những việc làm thiết thực như: giáo dục phòng tránh bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn; hỗ trợ phát triển kinh tế, xây giếng nước sạch; trồng cây cải tạo môi trường…
Tại hội thảo quốc tế về “Phương pháp khảo sát dấu vết bom đạn chùm” vừa diễn ra tại TP Đông Hà, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đánh giá cao nỗ lực của các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong việc hợp tác tháo gỡ vật liệu chưa phát nổ và khắc phục hậu quả sau chiến tranh tại Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng. “Các bạn (thành viên các tổ chức hành động bom mìn - PV) đã làm việc suốt nhiều giờ trong điều kiện khó khăn, cần mẫn, rà soát từng tấc đất. Nhờ các bạn mà người nông dân có thể trồng trọt trên đồng ruộng không còn sợ hãi. Những bà mẹ có thể để con ra ngoài chơi đùa mà không cần lo lắng về việc chúng có thể tìm thấy gì trong những khu rừng. Không còn người lớn và trẻ nhỏ là nạn nhân liên quan tới vật liệu chưa phát nổ tại Quảng Trị trong mấy năm qua”, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink nhấn mạnh.
Những thương hiệu toàn cầu
Với chiến tranh, bom đạn và “đặc sản” gió Lào, cát trắng…, Quảng Trị có lẽ là mảnh đất “hội tụ” của những bất lợi so với các địa phương khác trong cả nước. Nhưng ở mảnh đất ấy vẫn còn có những “đặc sản” mà mọi người nhìn vào đều ngưỡng mộ. Đó là đức tính kiên cường, thông minh, cần cù, sáng tạo, vận dụng cơ chế, chính sách linh hoạt của chính quyền và nhân dân. Chính điều này đã biến cái bất lợi của Quảng Trị thành lợi thế phát triển của một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực miền Trung tương lai; các khu kinh tế tư nhân ở đây đang có những “con sếu đầu đàn” triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy đồ sộ; những cảng biển nhộn nhịp tàu vào ra tiếp nhận nông sản có tên trong bản đồ nông sản quốc tế như: cà phê Khe Sanh, hồ tiêu Gio An, gạo hữu cơ và các sản phẩm organic Quảng Trị. Người dân địa phương đã sản xuất nông sản theo mô hình nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường và mang đi phân phối tại thị trường các nước.
Gặp chúng tôi, ông Hà Sỹ Đồng, thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, là người dành rất nhiều tâm huyết trong việc xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ trên những cánh đồng mà lâu nay nông dân quen trồng lúa đến kỳ thì bón phân hóa học, phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu. Ông chia sẻ: Giờ nghe lúa hữu cơ bà con quê mình khoái lắm, xung phong làm. Trước kia thì ai cũng lắc đầu. Thuyết phục được doanh nghiệp đã khó, thuyết phục nông dân còn khó hơn khi bảo họ nhất cử nhất động phải làm theo doanh nghiệp, chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn… Ông phấn khởi nói: “Từ khi làm lúa hữu cơ, môi trường sạch, cá đồng sinh sôi nhiều nên giờ chỉ cần ra đồng, lấy tay vạch chân ruộng ra là bắt được cá tự nhiên. Điều đã lâu lắm rồi, không hề thấy ở đồng ruộng Quảng Trị”.
Hỏi rằng, nghe nói gạo Quảng Trị có 2 hợp chất quý và đắt hơn vàng, ông Hà Sỹ Đồng nói ngay: Đầu năm 2019, PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng Thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hirosima, Nhật Bản) nhận túi gạo hữu cơ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam liên kết với nông dân thực hiện ở Quảng Trị để làm xét nghiệm gạo có đạt tiêu chuẩn sạch không. PGS Trần Đăng Xuân thật sự sửng sốt khi có kết quả phân tích. Những hạt gạo hữu cơ tạo ra từ cánh đồng trên vùng đất khô cằn, sỏi đá Quảng Trị không những sạch mà còn siêu sạch, đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng. Chưa hết, 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, gút còn được tìm thấy trong hạt gạo hữu cơ Quảng Trị. Đó là 2 hợp chất quý, đắt hơn vàng gấp 30.000 lần.
“Thông tin gạo hữu cơ Quảng Trị chứa 2 hợp chất MA và MB được công bố rộng rãi khiến sản lượng gạo hữu cơ Quảng Trị bán ra thị trường tăng gấp 3 lần so với trước. Đồng thời gạo còn thâm nhập các siêu thị lớn trong cả nước, tham gia các gian hàng thương mại tại một số nước như Trung Quốc, Thái Lan và nhận đơn hàng từ Mỹ, Qatar, Hồng Công, Nhật Bản”, ông Đồng chia sẻ. Hiện Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị đang xúc tiến hoàn thiện nhà máy chế biến nông sản với công suất 300 tấn/ngày đêm tại Hải Lăng; mời tổ chức Union Control, khảo sát chứng nhận 90ha lúa đạt chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ và chuẩn EC; đề xuất chủ trương xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Tỉnh cũng mời Viện Quy hoạch nông nghiệp quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. “Đó là những cơ sở để mở rộng liên kết sản xuất lúa hữu cơ, xuất khẩu gạo Quảng Trị ra nhiều nước trên thế giới, để bà con nông dân quê mình làm giàu ngay trên vùng “đất chết” xưa kia”, ông Hà Sỹ Đồng hy vọng.
VĂN THẮNG