Khi cá tôm quay về
Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tấp nập bán mua trên bến dưới thuyền dọc bờ biển Quảng Trị. Bởi chỉ vài tháng trước đó, với sự cố môi trường quét ngang qua, cả khu vực rộng lớn vắng vẻ, ảm đạm.
Nhiều ngư dân Quảng Trị dong thuyền ra khơi ngay từ đầu năm, bủa lưới dọc vùng biển bãi ngang của Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Ngư dân “bỏ tết đi biển” sớm do đang vào mùa khai thác cá khoai (còn gọi là cá cháo). Tại bờ biển xã Gio Hải, từ mùng 1 tết đã tấp nập người mua kẻ bán loại cá thơm ngon này.
|
|
|
"Đó là dấu hiệu biển Quảng Trị đang hồi sinh, các nguồn lợi thủy sản cũng trở lại... Đây là cơ hội và chúng tôi tiếp tục khuyến cáo bà con ngư dân ra khơi bám biển, nâng cao thu nhập, tiếp tục đóng mới các loại tàu thuyền"
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Tr
|
|
|
ị
|
|
|
Theo kinh nghiệm, ngư dân đánh bắt cá khoai từ cuối tháng 12 âm lịch. Các chuyến biển đều cho thu hoạch lớn, trung bình mỗi ngày đánh bắt khoảng 5 giờ (đi từ 5 giờ sáng) có thể thu được tối đa 70 kg cá khoai. “Với giá cá khoai hiện nay là 70.000 đồng/kg, chúng tôi có thể thu tiền triệu cho mỗi buổi”, ngư dân Hồ Văn Ly (xã Gio Hải) phấn khởi nói.
Khi “mùa” cá cháo bắt đầu vãn, thì ngư dân vùng biển bãi ngang Quảng Trị lại tiếp tục trúng đậm ghẹ sao, ghẹ xanh... Tại các xã Hải An, Hải Khê (H.Hải Lăng), ngư dân chủ yếu dùng lồng rập và lưới để đánh bắt ghẹ, có thuyền thu hoạch vài chục ký ghẹ, bán với giá 300.000 đồng/kg ghẹ xanh và 100.000 đồng/kg ghẹ sao. Nhiều gia đình thu được vài triệu đồng chỉ trong một buổi ra khơi... Đến quãng đầu tháng 3, ngư dân xã Trung Giang (H.Gio Linh) lại “trúng” sứa, mỗi ngày đánh bắt được 50 - 100 con, dễ dàng bỏ túi vài trăm nghìn đồng mỗi ngày mà không phải quá nhọc công vì sứa thường ở khá gần bờ.
Ở vùng biển xa bờ, tàu cá của ngư dân Quảng Trị cũng liên tiếp bội thu. Cuối tháng 2, tàu cập bến Cửa Việt (H.Gio Linh) đầy ắp cá cơm. Giữa đầu tháng 3, tàu của ngư dân Võ Lới (trú KP.2, TT.Cửa Việt, H.Gio Linh) cập cảng mang theo hơn 10 tấn cá bè quỵt chỉ sau một ngày ra khơi đánh bắt quanh khu vực đảo Cồn Cỏ, thu hơn 600 triệu đồng...
Mẻ cá bè vàng kỷ lục
Cả tỉnh Quảng Trị vừa phấn chấn trước tin ngư dân Lê Văn Tuấn (trú thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, H.Gio Linh) trúng mẻ cá bè vàng "khủng" lên đến 160 tấn. Điều này càng củng cố niềm tin rằng biển Quảng Trị đã thực sự hồi sinh sau thảm họa.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 10.3, tàu của anh Tuấn mang BS QT 90929 TS đánh bắt cá tại khu vực đảo Cồn Cỏ đã vây được đàn cá bè vàng. Anh Tuấn kể, khi đang lênh đênh gần đảo Cồn Cỏ, nhìn lên máy dò cá hiện đại của Nhật Bản thấy cả màn hình “đỏ lòm” những cá là cá. “Loại cá bè vàng này hiếm gặp, được gọi là cá ngủ. Nghĩa là ban ngày cá bơi rất nhanh, đi theo đàn. Nhưng ban đêm khi gặp dòng nước yên lành thì cá tập trung lại và ít di chuyển. Biết cá quá nhiều nên tôi đã phải gọi thêm 4 tàu ở đất liền ra trợ giúp”, anh Tuấn nói. Và để “hốt trọn” 160 tấn cá đưa về cảng Cửa Việt, gần 60 ngư dân trên 5 tàu cá đã phải làm việc quần quật suốt 3 ngày đêm. “Mệt, nhưng cũng “đã” lắm!”, một ngư dân tham gia khai thác mẻ cá “kỷ lục” phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, cho biết đây là chuyến đi biển thành công nhất từ trước đến nay mà ngư dân Quảng Trị gặt hái được trên ngư trường truyền thống. Với đặc điểm đi theo đàn, loại cá bè vàng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở gần khu vực đảo Cồn Cỏ... Ngay khi chuyến tàu cuối cùng đưa những con cá bè vàng trong mẻ cá 160 tấn cập bờ, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị có mặt tại cảng Cửa Việt để chúc mừng và cho biết sẽ có hình thức động viên các ngư dân bám biển.
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phụ trách mảng nông nghiệp, cũng không giấu được sự vui mừng: “Đó là dấu hiệu biển Quảng Trị đang hồi sinh, các nguồn lợi thủy sản cũng trở lại... Đây là cơ hội và chúng tôi tiếp tục khuyến cáo bà con ngư dân ra khơi bám biển, nâng cao thu nhập, tiếp tục đóng mới các loại tàu thuyền. Bởi kinh tế biển luôn là một trong các mũi nhọn của định hướng phát triển kinh tế của địa phương”.
Nguyễn Phúc